Thị trường bia đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu lớn. |
Lợi nhuận Habeco đã tăng trưởng trở lại
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 của CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán BHN), doanh thu và lợi nhuận của đơn vị sở hữu thương hiệu Bia Hà Nội đã có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong quý vừa qua, Habeco đạt 2.134 tỷ đồng doanh thu, tăng 10,2% so với quý 2 năm 2021. Trong khi đó tỷ lệ tăng chi phí vốn thấp hơn, chỉ 6,4% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 618 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng nhưng sau khi trừ đi các khoản chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của Habeco vẫn tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 205 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải, trong quý 2/2022, cả nước đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đồng thời công ty đã chủ động nắm bắt cơ hội, thực hiện chính sách bán hàng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn cao điểm mùa hè. Cùng với đó là lãi trong công ty liên doanh liên kết gấp gần 7 lần cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Habeco mang về gần 3.490 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 5% và 4% so cùng kỳ. Lãi ròng tăng 8%, lên hơn 228 tỷ đồng. Năm 2022, Habeco đặt mục tiêu đạt 6.605 tỷ đồng doanh thu và 221 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 13% và 32% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, công ty đã thực hiện được 58% chỉ tiêu doanh thu và vượt 9% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.
Tính đến 30/6/2022, Habeco còn khoản tiền gửi kỳ hạn 3 đến 12 tháng hơn 2.018 tỷ đồng (giảm 430 tỷ đồng so với số dư đầu năm). Ngoài ra công ty còn có khoản tiền gửi dài hạn kỳ hạn trên 12 tháng trị giá 50 tỷ đồng. Tổng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng là gần 2.070 tỷ đồng.
Sabeco báo lãi cao nhất từ khi về tay người Thái
Trong khi Habeco mới chỉ khởi sắc trong quý 2 thì Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB) đã “tưng bừng” từ quý 1. Lợi nhuận của doanh nghiệp này trong quý đầu năm 2022 tăng tới 72% so với cùng kỳ năm 2021. Sang quý 2, chủ hãng bia 333 vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao.
Cụ thể, trong quý vừa qua, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần tăng 25% so với cùng kỳ, lên hơn 9.000 tỷ đồng; còn lợi nhuận sau thuế tăng 67%, lên 1.793 tỷ đồng. Đây chính là mức cao nhất tính theo quý từ khi ThaiBev mua gần 54% cổ phần để chiếm quyền chi phối Sabeco năm 2017.
Theo lý giải từ Sabeco, kết quả kinh doanh khả quan trên là nhờ không còn giãn cách xã hội như giai đoạn cùng kỳ năm 2021, Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa đón khách du lịch quốc tế và nhu cầu tiêu dùng hồi phục. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính còn cho thấy khả năng kiểm soát tốt chi phí của doanh nghiệp: Giá vốn nguyên vật liệu đầu vào tăng ít hơn doanh thu giúp biên lợi nhuận gộp vọt lên 34,24% (tức cứ một 100 đồng thu vào sau khi trừ vốn thì công ty lãi 34,24 đồng). Chi phí dành cho quảng cáo, khuyến mại, nhân viên tiết giảm 8% bất chấp doanh số tăng mạnh.
Luỹ kế nửa năm, chủ hãng bia 333 có doanh thu 16.424 tỷ đồng và lãi sau thuế xấp xỉ 3.030 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 47% và 66% kế hoạch cả năm. Bia đóng góp hơn 88% vào tổng doanh thu; phần còn lại từ bán nguyên vật liệu, nước giải khát, rượu và cồn.
Cạnh tranh ngành bia ngày càng khốc liệt
Habeco và Sabeco là 2 nhà sản xuất bia nội địa lớn nhất Việt Nam hiện nay. Trong đó, Habeco vốn dẫn đầu thị phần tiêu thụ bia phía Bắc với thương hiệu Bia Hà Nội và Bia hơi Hà Nội trong nhiều năm. Tập trung vào phân khúc bình dân, doanh nghiệp này từng nhiều năm duy trì mức lợi nhuận trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên từ sau năm 2015, kết quả kinh doanh của Habeco liên tục đi xuống. Giai đoạn 2020-2021, các doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh. Từ mức doanh thu trung bình xấp xỉ 10.000 tỷ đồng mỗi năm (giai đoạn 2014-2019) tụt xuống mức 7.000 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2021 xuống thấp nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính, chỉ đạt 411 tỷ đồng.
Dù đứng đầu về thị phần thị trường bia miền Bắc, song thách thức với Habeco đến từ sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng (cao cấp hơn) và áp lực cạnh tranh từ những thương hiệu bia khác. Trong đó, Sabeco chính là đối thủ đáng gờm nhất.
Ngoài phân khúc bia cao cấp, Sabeco đã tập trung đẩy mạnh mạnh phân khúc bình dân, tiến ra thị trường phía Bắc và trực tiếp tranh giành thị phần với Habeco. Vì vậy, khoảng cách về doanh thu giữa hai nhà sản xuất bia đang ngày càng lớn hơn.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI đánh giá, tỷ suất lợi nhuận gộp của Sabeco vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát, nhờ công ty đã ký hợp đồng mua dài hạn cho các nguyên vật liệu chính và giá bán bình quân đã tăng thêm gần 10%.
Trong khi đó, ngành thực phẩm đồ uống được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn khi nhu cầu tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022. Cùng với đó là giá các nguyên vật liệu đầu vào chính có xu hướng điều chỉnh giảm trong các quý tới giúp tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp thực phẩm đồ uống có cơ hội tăng lên hoặc duy trì khả năng phục hồi vào năm 2023.
Habeco mặc dù cũng được hưởng lợi từ triển vọng ngành như trên nhưng việc đẩy mạnh doanh số bán hàng còn phụ thuộc nhiều vào khả năng gia tăng thị phần. Ngoài Sabeco, Habeco còn phải chịu sức ép cạnh tranh từ các hãng bia khác, đặc biệt là khi doanh nghiệp cũng đang đánh vào phân khúc cao cấp - nơi mà các hãng bia ngoại như Heineken, Carlsberg đang chiếm ưu thế.
Đó là chưa kể đến sự vươn lên của các hãng bia nhỏ, sự gia nhập của các hãng bia mới. Như Tập đoàn Masan đang thể hiện tham vọng xây dựng ngành bia trong hệ sinh thái bán lẻ, với việc dành một phân khu riêng cho nhà máy sản xuất bia đóng lon, đóng chai, bia hơi các loại với công suất lên đến 100 triệu lít/năm trong dự án Trung tâm Công nghiệp thực phẩm Miền Tây 2. Dự án này mới được UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận chủ trương đầu tư.