Ảnh minh họa: Quách Sơn. |
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 435 công bố kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, ngày 26/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì họp với các Bộ, cơ quan liên quan về việc tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83 ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, cơ quan dự họp thống nhất nội dung liên quan đến công thức giá, điều hành giá, tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở, quản lý, sử dụng giám sát Quỹ bình ổn giá và việc phân công nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện một số nội dung kỹ thuật cho phù hợp với quy định và khả thi trong triển khai, không phát sinh vướng mắc.
Khi xây dựng Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu (quý 2/2024) sẽ đánh giá việc sửa đổi, bổ sung các nội dung.
Cũng tại thông báo kết luận, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện tờ trình xin ý kiến Chính phủ trước 15h ngày 26/10/2023 đối với 2 nội dung theo đề xuất của Bộ Công Thương tại cuộc họp về việc giữ nguyên, không sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 5 Điều 38 Nghị định số 83/2014 đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 95/2021 (do Bộ Công Thương sơ suất kỹ thuật khi trình Chính phủ).
Bổ sung quy định về lộ trình triển khai hóa đơn điện tử cho phù hợp với tình hình thực tế, không để ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu và giao Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn theo quy định như ý kiến thống nhất của Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính tại cuộc họp.
Trước đó, vào năm 2022, khi thị trường xăng dầu có những biến động lớn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143 ngày 4/11/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022 và Công điện số 1085 ngày 11/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.
Trong đó, giao Bộ Công Thương chủ trì, khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 83/2014 và Nghị định số 95/2021 Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95) theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2022.
Thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp (tại cuộc họp ngày 12/11/2021) rà soát và bước đầu đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi đối với các Nghị định nêu trên.
Đồng thời, ngay sau đó, ngày 14/11/2022, Bộ Công Thương đã có các Công văn số 7197 và 7198 gửi các Bộ ngành, địa phương, về việc rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu. Song song với đó, Bộ cũng có Công văn số 7254 ngày 16/11/2022 gửi thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu về việc rà soát, sửa đổi các quy định kinh doanh xăng dầu.
Sau nhiều lần xin ý kiến các Bộ ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã trình Dự thảo sửa đổi các Nghị định kinh doanh xăng dầu vào ngày 18/7/2023.
Theo Bộ Công Thương, trước đây, quá trình sửa đổi Nghị định 83 và ban hành Nghị định 95 đã mất 2,5 năm, có sự tham gia góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, trải qua quá trình thảo luận, xin ý kiến rất dài.
Tất cả những vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Nghị định 83 và 95 đều là những vấn đề đã đưa ra thảo luận từ quá trình sửa đổi Nghị định 83 trước đây, ví dụ như vấn đề Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Thời gian điều hành; Dự trữ xăng dầu; Quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý… Đều là những vấn đề đã được đưa ra thảo luận rất kỹ trong quá trình sửa đổi.