Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. |
Trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù. Đặc biệt, dự thảo Luật thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.
Về mô hình tổ chức chính quyền, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Theo đó, không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cao hơn cho thành phố Hà Nội so với các địa phương khác để bảo đảm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô đã được xác định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Trong đó, cho phép UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố. Phân quyền cho UBND Thành phố được phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều.
Cho phép cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn Thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở, tổ chức đó.
Phân quyền cho UBND Thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao; ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND Thành phố thành lập; quy định một số cơ chế đặc thù đối với đơn vị sự nghiệp công lập tại khu công nghệ cao, trong đó bao gồm cả các cơ chế áp dụng đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Ảnh minh họa. |
Mở rộng các lĩnh vực mà HĐND Thành phố được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn và áp dụng trên địa bàn toàn Thành phố, không phân biệt nội thành, ngoại thành. Bổ sung một số thẩm quyền cho HĐND, UBND Thành phố trong việc quyết định và triển khai thực hiện một số giải pháp về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông thôn và cải tạo, chỉnh trang đô thị…
Sửa Luật Thủ đô: Đưa quy hoạch đô thị ven sông Hồng thành điểm đột phá
Liên quan đến tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật phân quyền cho HĐND Thành phố được quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đối với các nhiệm vụ chi sử dụng ngân sách Thành phố cao hơn hoặc chưa có trong quy định của cơ quan Nhà nước cấp trên.
Cho phép thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...
Dự thảo cũng phân quyền cho HĐND Thành phố được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP (bao gồm các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD) không sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương mà không bị giới hạn về tổng mức đầu tư; được quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực, ban hành phương thức thanh toán áp dụng riêng cho thành phố Hà Nội...