Không nằm ngoài xu hướng đó, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) đã ghi nhận mức doanh thu quý 1/2023 giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1.173 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu thấp nhất của Bia Hà Nội kể từ quý 1/2020.
Tương ứng với đó, công ty chứng kiến mức lỗ ròng 3,7 tỷ đồng cho quý 1/2023, đánh dấu quý đầu tiên Habeco ghi nhận mức lỗ sau 3 năm. Sang quý 2, doanh thu của Habeco tăng trưởng trở lại với doanh thu thuần ở mức 2.078,3 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng mạnh hơn 77% so với quý 1/2023.
Kỳ này, giá vốn hàng bán tăng 2% lên 1.547 tỷ đồng dẫn đến lãi gộp giảm xuống 531 tỷ. Biên lãi gộp cũng giảm xuống 25,5%. Bù lại, doanh thu tài chính tăng gấp đôi lên 58 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá.
Kết quả, sau khi khấu trừ thuế và các chi phí, lãi sau thuế của Habeco đạt 188 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên kết quả này khả quan hơn rất nhiều so với khoản lỗ 3,7 tỷ đồng của quý 1.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 3.333 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỷ đồng, giảm hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Habeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 7.367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 222 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, Habeco hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 83% mục tiêu lợi nhuận năm.
Trên bảng cân đối kế toán, tại thời điểm ngày 30/6/2023, BHN ghi nhận tổng tài sản ở mức 7.282 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số đầu năm. Trong đó, tiền mặt là 309 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng ở mọi kỳ hạn là 3.361 tỷ đồng. Khoản tiền tương đương 46% tổng tài sản gửi ngân hàng đã mang về cho Habeco 56 tỷ đồng trong quý II.
Hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý 2/2023 là 725,2 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên, vật liệu. Bên cạnh đó, công ty cũng trích hơn 19 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả giảm 5% xuống còn 1.837,3 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 5.445 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 tổ chức hồi tháng 6 vừa qua,ban lãnh đạo Habeco nhận định, năm nay, công ty sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khi lạm phát, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động khiến giá cả nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng.
Dự kiến, giá một số nguyên vật liệu chính cho sản xuất bia như bột trợ lọc, hoa houblon, gạo, đường tiếp tục tăng trong năm 2023. Riêng với malt, nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất, năm nay, giá đầu vào malt của Habeco ước tính tăng khoảng 50% so với giá bình quân mua vào năm 2022.
Bên cạnh đó, Habeco tiếp tục phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ lớn là các tập đoàn đa quốc gia và phải đấu tranh gay gắt với sự xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, gây nhầm lẫn với các sản phẩm của Habeco.
Do đó, trong năm 2023, Habeco dự kiến tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối người tiêu dùng thông qua các hoạt động truyền thông và các chương trình khuyến mại.
Về hệ thống phân phối, công ty dự kiến kiện toàn và kiểm soát chặt chẽ hệ thống phân phối thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và phần mềm. Kiểm soát chặt chẽ vùng bán, hạn chế bán lấn vùng, lấn tuyến, hoàn thiện và đa dạng kênh phân phối, ứng dụng kênh thương mại điện tử và tối ưu hóa website bán hàng.