Mặc dù bức tranh kinh tế năm 2022 ghi nhận sự phục hồi khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng tới 8,02% so với năm 2021, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lại ghi một dấu ấn buồn trong năm 2022.
Chỉ số VN-Index giảm mạnh khoảng 33%, từ mức 1.498 điểm khởi đầu năm xuống ngưỡng 1.007,09 điểm vào phiên giao dịch cuối năm.
Trong bối cảnh đó, tài sản của các tỷ phú USD người Việt hầu hết đều biến động mạnh so với danh sách được Forbes công bố hồi đầu năm 2022.
Tính đến phiên giao dịch ngày 29/12, quy mô tài sản của 7 tỷ phú Việt đã thu hẹp tổng cộng khoảng 7,822 tỷ USD, tương đương mức giảm 36,9%. Một tỷ phú thậm chí đã rời danh sách. Ông Bùi Thành Nhơn không còn là tỷ phú USD khi tính đến ngày 10/11, tài sản ròng của Chủ tịch Nova Group chỉ còn 978,2 triệu USD.
Tổng tài sản của 6 tỷ phú USD còn lại vào khoảng 12,3 tỷ USD.
Xét về giá trị sụt giảm sau nửa năm, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng có mức giảm tài sản mạnh nhất, khoảng 2,2 tỷ USD, tương đương 36%.
Giá trị tài sản của ông Vượng còn 4 tỷ USD so với mức 6,2 tỷ trước đó, song ông vẫn giữ vị trí thứ nhất trong danh sách các tỷ phú Việt Nam do Forbes bình chọn.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mới đây dự phóng tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBIT) và thu nhập tài chính trong năm 2022 đạt 30.000 tỷ đồng do khoản lỗ từ mảng công nghiệp được bù đắp nhờ thu nhập tài chính cao từ các giao dịch bán buôn của Vinhomes và lãi thoái vốn của Vingroup trong 9 tháng đầu năm. Do đó, VCSC dự báo lợi nhuận ròng năm 2022 có thể đạt hơn 10.900 tỷ đồng, so với con số lỗ hơn 2.500 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường chứng khoán, VIC - Cổ phiếu Tập đoàn Vingroup đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2022 ở mức 53.800 đồng/cổ phiếu. Nếu so với thị giá ngày 11/3 (79.000 đồng/cổ phiếu), giá cổ phiếu VIC đã giảm khoảng 31,9%. Còn nếu so với mức đỉnh 110.000 đồng/cp trong tháng 8/2018, cổ phiếu này đã giảm hơn nửa giá.
Xét về tỷ lệ giảm, giá trị tài sản của ông Trần Đình Long và ông Bùi Thành Nhơn giảm mạnh nhất so với hồi mới xếp hạng, với mức giảm lần lượt là 53% và 66,3%.
Theo đó, tài sản của ông Long giảm 1,7 tỷ USD do diễn biến tiêu cực trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu HPG - Cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hòa Phát bước vào xu hướng đi xuống kể từ tháng 3 năm nay trong bối cảnh giá thép liên tục giảm trong khi nguyên liệu đầu vào chính là than lại liên tục tăng giá. Trong quý 3, HPG đã báo lỗ lên đến 1.700 tỷ đồng nên càng ảnh hưởng đến diễn biến giá cổ phiếu. Nếu so với đỉnh tháng 3, giá cổ phiếu HPG đã giảm gần 70%.
Hiện ông Trần Đình Long vẫn là cổ đông lớn nhất tại Hòa Phát với hơn 1,51 tỷ cổ phiếu HPG nắm giữ, tương đương 26,08% vốn. Tính cả tài sản của bà Vũ Thị Hiền – vợ ông Long và người thân thì gia đình ông Long sở hữu khoảng 2,03 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương gần 35% vốn điều lệ nhà sản xuất thép này.
Tính đến ngày 29/12, tài sản ông Trần Đình Long hiện chỉ còn 1,5 tỷ USD. Trước đó, hồi tháng 11, tổng tài sản của chủ tịch Hòa Phát từng giảm xuống mức 1 tỷ USD và bị loại khỏi danh sách tỷ phú USD. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau khi rời danh sách tỷ phú USD, ông Trần Đình Long quay lại top 6 tỷ phú giàu nhất Việt Nam sau khi giá cổ phiếu HPG tăng mạnh trên sàn chứng khoán.
Với việc tài sản của ông Trần Đình Long giảm mạnh, bà Nguyễn Thị Phương Thảo quay trở lại người giàu thứ 2 Việt Nam với 2,3 tỷ USD, giảm 0,8 tỷ USD so với thời điểm đầu năm. Mã VJC - CTCP Hàng không Vietjet và HDB - Ngân hàng Phát triển TP HCM giảm lần lượt 23% và 34% so với thời điểm hồi tháng 4.
Tài sản của hai tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh cũng ghi nhận mức giảm dưới 1 tỷ đồng. Giá trị tài sản của Chủ tịch Techcombank, ông Hồ Hùng Anh còn 1,6 tỷ USD trong bối cảnh nhóm cổ phiếu ngân hàng đã liên tục đi xuống. Chốt phiên giao dịch năm 2022, TCB - Cổ phiếu Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam đang ở mức 25.850 đồng/cp, tăng so với mức đáy hơn 19.000 đồng/cp ghi nhận hồi tháng 11, tuy nhiên nếu so với mức đỉnh 58.500 đồng/cp ghi nhận hồi tháng 7/2021, cổ phiếu này đã giảm 56% thị giá.
Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang có giá trị tài sản được ước tính còn 1,5 tỷ USD, mất đi 400 triệu USD so với đầu năm. MSN - Cổ phiếu Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan ghi nhận mức giảm về vùng giá 93.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, ông Bùi Thành Nhơn, thậm chí đã rời khỏi danh sách tỷ phú USD từ giữa tháng 11 khi giá cổ phiếu NVL (Novaland) liên tục giảm mạnh, kéo khối tài sản ròng của ông Nhơn xuống dưới mốc 1 tỷ USD.
Hồi đầu năm, vị lãnh đạo Nova Group này từng được ước tính sở hữu khối tài sản ròng lên tới 2,9 tỷ USD và là người giàu thứ 4 tại Việt Nam. Tính đến ngày 10/11, tài sản ròng của Chủ tịch Nova Group chỉ còn 978,2 triệu USD. Sau khi mất vị trí tỷ phú, Forbes đã dừng cập nhật tài sản của ông Nhơn.
Chốt phiên giao dịch cuối năm ngày 30/12, NVL - Cổ phiếu CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va giảm sâu xuống mức 14.000 đồng/cp.
Trong số các tỷ phú USD, tài sản của ông Trần Bá Dương ít biến động nhất. Chủ tịch Thaco hiện nắm 1,5 tỷ USD, giảm 100 triệu USD so với con số 1,6 tỷ USD ước tính hồi đầu năm.
Tại Đông Nam Á, tài sản các tỷ phú cũng biến động mạnh trước bất ổn của kinh tế toàn cầu. Theo cập nhật của Forbes, tài sản của tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á, ông Robert Budi Hartono (Indonesia) và người em Michael Hartono hoạt động trong ngành thuốc lá, tài chính, năng lượng cũng mất lần lượt 1,1 tỷ USD và 1 tỷ USD. Tương tự, ông Li Xiting (Singapore), đồng sáng lập và chủ tịch công ty thiết bị y tế Shenzhen Mindray Bio-Medical Electronics - giảm 0,9 tỷ USD, xuống 16,7 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, anh em tỷ phú Robert và Philip Ng (Singapore) Tập đoàn bất động sản Far East Organization vẫn ghi nhận khối tài sản tăng từ 13,7 tỷ USD lên 15,2 tỷ USD. Tỷ phú Sarath Ratanavadi (Thái Lan), Tổng giám đốc công ty năng lượng Gulf Energy Development tăng tài sản từ 11,8 tỷ USD lên 13,4 tỷ USD.