Tái thi công nhiều gói thầu cao tốc Bến Lức - Long Thành sau ba năm dang dở. Nguồn: VGP. |
Ngày 10/5, đại diện Ban quản lý các đường cao tốc phía Nam cho biết chủ đầu tư đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu thi công mới thay thế đơn vị cũ đã dừng hợp đồng.
Gói thầu A6 đi qua Đồng Nai, dài hơn 16 km, chia làm 5 gói thầu nhỏ, trong đó 4 gói đã có nhà thầu mới, gói còn lại đang triển khai công tác lựa chọn.
Thông tin về tiến độ dự án, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) - đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, đến nay, các gói thầu đoạn phía Đông của dự án (A5, A6, A7) triển khai và đang trong quá trình thi công về đích.
Cụ thể, gói thầu A5 cơ bản hoàn thành; gói thầu A7 đạt 68,33% sản lượng; gói thầu A6 sau khi thi công hoàn thành khoảng 34% sản lượng thì tạm ngưng từ năm 2019 do nhà thầu cũ đã dừng hợp đồng vì vướng mắc nguồn vốn.
Hiện tại, 4/5 gói thầu hoàn thiện phần còn lại gói thầu A6 được VEC lựa chọn xong nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng (không sơ tuyển) và bắt đầu triển khai thi công đồng loạt từ cuối tháng 4, đầu tháng 5. Sau khi tái khởi động, các hạng mục còn lại thuộc gói thầu này dự kiến hoàn thành toàn bộ vào đầu quý 2/2024.
Trước đó, để sớm tái khởi động dự án, VEC đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Trong đó, điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, cơ chế tài chính đối với từng nguồn vốn trong dự án cho phù hợp với các chủ trương đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, bổ sung vốn VEC huy động vào cơ cấu nguồn vốn dự án để được sử dụng nguồn tiền tích lũy từ các nguồn của VEC, nguồn vốn hợp pháp khác nhằm hoàn thành công trình.
VEC đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến 30/9/2025. Cùng với đó là gia hạn hiệp định vay JICA lần 2 đến ngày 31/12/2025 nhằm đảm bảo thời gian sử dụng vốn hoàn thành thi công gói thầu J1 (cầu Bình Khánh) và J3 (cầu Phước Khánh).
Cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam. Dự án có tổng chiều dài 57,8km, đi qua tỉnh Long An (2,7km), TP HCM (26,4km) và tỉnh Đồng Nai (28,7km).
Dự án có tổng mức đầu tư là 31.320 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng.
Dự án gồm 11 gói thầu xây lắp chính và được chia thành 3 đoạn, gồm: Đoạn 1 phía Tây (gói A1, A2-1, A2-2, A3, A4) dài 27,7 km sử dụng vốn vay ADB; Đoạn 2 (gói J1, J2, J3) dài 10,7 km sử dụng vốn vay JICA; Đoạn 3 phía Đông (gói A5, A6, A7) dài 25,3 km sử dụng vốn vay ADB.
Đây là dự án cao tốc huyết mạch kết nối các tỉnh miền Tây sang miền Đông thông qua kết nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Công trình khởi công năm 2014, dự kiến ban đầu hoàn thành năm 2019. Tuy nhiên, đầu năm 2019, dự án gặp nhiều vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật, dẫn đến không được bố trí vốn để tiếp tục thực hiện đối với vốn ADB phía Tây, vốn JICA và vốn đối ứng. Cùng với đó, các nhà thầu yêu cầu dừng hợp đồng do giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi giá trúng thầu được xây dựng từ năm 2015-2017, hiện giá vật liệu đã tăng gấp đôi.
Ngoài ra, do dừng thi công kéo dài, lại chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số nhà thầu đã rút hết nhân sự, máy móc về nước.