Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính)

Tâm niệm người làm chính sách

CHÍNH SÁCH Việt nAM
17:05 - 20/06/2023
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính tâm niệm rằng, suy cho cùng, gốc rễ của chính sách là từ dân, do dân và vì dân, qua đó giúp người dân thấu hiểu để chính sách dễ dàng đi vào đời sống hơn.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cho thấy, kết quả thực hiện chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đạt được một số kết quả tích cực.

Theo đó đã thực hiện miễn, giảm, giãn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2022 khoảng 200,3 nghìn tỷ đồng. Ngân sách trung ương đã chi từ nguồn Chương trình phục hồi để bổ sung 4.361 tỷ đồng cho 32 địa phương thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo

Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng (2%) cho các ngân hàng thương mại và Ngân hàng chính sách xã hội đạt khoảng 859 tỷ đồng.

Theo đánh giá, chính sách tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, hỗ trợ tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ứng phó kịp thời với những diễn biến thực tế, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Bước sang năm 2023, kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển vào thời điểm kinh tế thế giới tiếp tục biến động và bất ổn, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; phục hồi kinh tế chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Trong bối cảnh đó, những chính sách của ngành tài chính thời gian qua được đánh giá đã, đang và sẽ là công cụ đắc lực, yểm trợ cho nền kinh tế hồi phục từ những bão tố thị trường và cả những bất ổn nội tại.

Mekong ASEAN có dịp trò chuyện cùng ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), người trực tiếp tham gia vào quá trình tham mưu, hoạch định và thực thi chính sách về những tâm niệm cũng như trăn trở để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.

Mekong ASEAN: Từ cương vị của mình, ông nhìn nhận thế nào về vai trò của truyền thông để chính sách gần dân, song hành cùng người dân, để "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"?

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Vai trò truyền thông chính sách càng ngày càng quan trọng, không chỉ là câu chuyện ban hành chính sách là xong, làm thế nào để chính sách đi vào cuộc sống, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp mới là đích đến cuối cùng của những người làm chính sách.

Ngay từ quá trình rà soát, đánh giá pháp luật để xây dựng chính sách đã rất quan trọng, đảm bảo tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng được tham gia vào quá trình làm chính sách với tư cách đề xuất, góp ý, phản biện.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã bắt đầu tiếp cận bằng cách đẩy nhiều thông tin ra cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi chính sách tham gia. Đơn cử, trong quá trình đánh giá xây dựng pháp luật, thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị xin ý kiến công chúng nhằm tiếp thu, chỉnh lý được ý kiến người dân, tổ chức.

Vậy sau khi ban hành chính sách thì như thế nào?

Khi chính sách ra đời, cơ quan ban hành cần tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, cũng như họp báo chuyên đề, thông cáo báo chí để đảm bảo các đối tượng đều tiếp cận được chính sách.

Từ phía các cơ quan, ban ngành trực tiếp tham gia vào quá trình thực thi chính sách, cần tổ chức những hội nghị tập huấn, chuyên đề để đảm bảo chính sách được thực thi một cách đồng bộ, hiệu quả.

Đáng chú ý, không phải tất cả chính sách ban hành đều phù hợp ngay, do đó ban hành chính sách rồi thì phải tiếp tục theo dõi, đánh giá, tiếp nhận phản hồi, kiến nghị từ người dân, tổ chức, đối tượng chịu ảnh hưởng. Đồng thời, kịp thời xử lý các vướng mắc, bất cập của chính sách.

Tóm lại, xuyên suốt quá trình để chính sách đi vào cuộc sống dễ dàng, truyền thông trở thành một công cụ không thể thiếu. Trong đó, sự góp mặt của các cơ quan thông tấn báo chí là cánh tay đắc lực.

Mekong ASEAN: Còn về những khó khăn, trong lĩnh vực quản lý của mình, theo ông đâu là điểm ông thấy "nhức đầu" nhất và cần giải quyết để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ trải thảm chính sách cho ngành tài chính, ngân hàng?

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Năm vừa qua, thị trường tài chính, ngân hàng chứng kiến nhiều biến động. Trong khi đó, mối liên hệ trên thị trường ngày càng phức tạp, hành vi vi phạm pháp luật theo đó cũng ngày càng tinh vi.

Theo đó, đòi hỏi phản ứng chính sách của cơ quan quản lý và cơ quan xây dựng pháp luật cần phải nhanh nhạy hơn. Một mặt, bám sát thị trường để xây dựng chính sách, mặt khác, cũng phải tuyên truyền, theo dõi việc thực thi chính sách để phát hiện sai phạm, kịp thời xử lý hành vi trên thị trường.

Chưa kể, dịch bệnh Covid-19 cùng những biến động từ chính trị - kinh tế thế giới khiến đời sống người dân và doanh nghiệp đối mặt với vô vàn khó khăn. Bài toán về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ kịp thời, phù hợp là điều nhà hoạch định chính sách không ngừng đi tìm lời giải.

Nhớ lại thời điểm Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội ban hành vào ngày 11/1/2022. Bộ Tài chính chỉ mất 17 ngày để trình Chính phủ ban hành Nghị định 15. Như vậy, chỉ 20 ngày sau khi có Nghị quyết của Quốc hội thì Nghị định của Chính phủ đã được ban hành để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Tất nhiên, chính sách khi ra đời tại một thời điểm không thể bao quát hết các vấn đề ở mọi thời điểm. Do đó, khi những tình huống bất ngờ xảy ra trên thị trường, nhiệm vụ phản biện xã hội của truyền thông, báo chí quan trọng hơn bao giờ hết.

Thú thực, cá nhân tôi, trước đây khá “e ngại” khi xuất hiện trên các phương tiện để chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn về chính sách. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, truyền thông có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa chính sách đến gần dân, càng những thời điểm nhạy cảm, truyền thông chính sách càng có ý nghĩa.

Điểm lại thời điểm 2021-2022 khi dịch Covid-19 diễn ra, bản thân tôi đã tham gia tới 4 chương trình Vấn đề hôm nay trực tiếp trên VTV1, đây vừa là một vinh dự, song cũng là một áp lực. Sức mạnh truyền thông lớn, đi cùng với đó, khi chia sẻ trực tiếp về những vấn đề nhạy cảm, nhiều người quan tâm, cần đảm bảo mọi thông tin chia sẻ đều phải chính xác, toàn diện.

Mekong ASEAN: Trong bối cảnh đó, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí ngày nay khi thông tin đang phần nào bị lấn át bởi các nền tảng mạng xã hội?

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Truyền thông xã hội đã và đang tạo ra một cuộc chơi mới khiến các cơ quan quản lý phải thay đổi nhận thức, vừa định hướng chính sách, vừa giữ được công chúng.

Tuy nhiên, dù trong bối cảnh nào, báo chí truyền thống vẫn có chỗ đứng vững chắc và quan trọng trong trận địa thông tin rộng mở như hiện nay. Mạng xã hội độ bao phủ rất rộng và nhanh, song, để khắc phục được những nhược điểm thì báo chí chính thống phải làm việc vất vả hơn rất nhiều. Một mặt, thông tin phải nhanh nhạy, kịp thời, mặt khác, lấn át tính không chính thống của hàng loạt thông tin lan tràn trên khắp các phương tiện.

Tất nhiên, bối cảnh mới, cũng đòi hỏi báo chí truyền thống chuyển mình, cần coi nội dung là "vua", công nghệ là "nữ hoàng". Đồng thời, khai thác được những ưu việt mà truyền thông xã hội đem lại, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội.

Đọc tiếp