TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề 3. |
Phát biểu khai mạc phiên hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề “Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 29 ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Việt Nam 2030 đã xác định ngành công nghiệp năng lượng là một trong 6 ngành công nghiệp nền tảng, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp năng lượng mới.
Nhắc đến Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Quy hoạch Điện VIII đã xác định mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Ông Hiển cũng khẳng định, Quy hoạch Điện VIII đặt ra yêu cầu Việt Nam cần hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo; Tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh gắn với sản xuất chế tạo, dịch vụ phụ trợ, các khu công nghiệp tập trung.
"Việt Nam cần tập trung phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng carbon,... để chủ động khai thác tiềm năng sẵn có của nước ta. Từ đó, tăng tính độc lập tự chủ, giảm giá thành sản xuất điện từ năng lượng tái tạo", Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Hiển, Việt Nam cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thực hiện các công trình dự án điện phức tạp, kỹ thuật cao. Đồng thời, nâng cao năng lực thiết kế, tổ chức mua sắm, quản lý điều hành dự án của các doanh nghiệp trong nước, đủ khả năng đảm nhiệm vai trò tổng thầu các dự án điện quy mô lớn.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam đang gặp một số khó khăn thách thức. Trong đó có thể kể đến thách thức là nhu cầu năng lượng đang phát triển rất nhanh trong khi các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch.
"Trữ lượng và sản lượng sản xuất của than và dầu thô, khí suy giảm hàng năm. Yêu cầu nhập khẩu năng lượng là một vấn đề trong tình hình phát triển của ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam. Bởi điều này sẽ làm giảm khả năng tự chủ về năng lượng, tăng sự phụ thuộc vào các nền kinh tế khác"
Cũng theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, tình hình phát triển của ngành công nghiệp năng lượng thế giới thời gian qua cho thấy có sự chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp năng lượng với sự thay đổi của các chính sách, cơ cấu, công nghệ: Từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn nhiên liệu hoá thạch truyền thống (than, dầu, khí tự nhiên) sang các nguồn năng lượng tái tạo bền vững (gió, mặt trời, sinh khối...).
Để đạt được mục tiêu của ngành năng lượng vào năm 2030, tầm nhìn năm 2045, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, TS Nguyễn Đức Hiển cho rằng cần phải sớm có những cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh mới.
“Cần nâng cao được năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp năng lượng thuộc mọi thành phần kinh tế, từ đó tạo ra sự chủ động về năng lượng cho Việt Nam đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ để đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050”, ông Hiển nhấn mạnh.
Bàn thêm về năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng và Môi trường nhận định, tiềm năng năng lượng tái tạo như gió và mặt trời ở Việt Nam là rất lớn, nhưng để khai thác hiệu quả và khắc phục hạn chế của các loại hình này cần công nghiệp linh hoạt về lưu trữ, tăng cường lưới điện.
Ông Tuấn cũng thông tin, công nghệ thiết bị điện mặt trời đang phát triển nhanh và xu thế giá rẻ. Tuy nhiên, cần phải rút kinh nghiệm từ những hệ lụy trong đầu tư thời gian vừa qua để nguồn điện này không chỉ sản xuất tự sản, tự tiêu mà vẫn khuyến khích hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, song cũng không ảnh hưởng xấu tới lưới điện.
Phiên hội thảo chuyên đề 3 nằm trong khuôn khổ Diễn đàn sáng 14/6. |
Đồng quan điểm, ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Nho Thông, Phó Giám đốc kinh doanh Công nghệ năng lượng số của Huawei Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này từng thực hiện các dự án điện mặt trời ở Việt Nam cho các khách hàng ở khu công nghiệp và trung tâm thương mại, trong đó có 2 dự án lớn ở miền Bắc và Phú Quốc.
Ông Thông cho hay, việc lưu trữ năng lượng hiện nay có nhiều khó khăn nhất định cho doanh nghiệp vì chi phí đầu tư rất lớn. Vì vậy, ông Thông đề xuất Chính phủ có thể cân nhắc đưa ra một số chính sách khuyến khích như mua một phần sản lượng điện mặt trời phát ra với công suất khoảng 20-30%.
Đồng thời, ông Thông cũng đề xuất cho các doanh nghiệp, nhà máy trong khu công nghiệp tự mua bán lẫn nhau, có cơ chế mua bán chéo phần năng lượng dư bởi nếu để tự sản tự tiêu thì rất lãng phí.