Cụ thể, theo báo cáo thường niên Triển vọng Kinh tế khu vực ASEAN+3 của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) công bố ngày 12/4, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này (bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) được dự báo ở mức 4,7% trong năm nay và 4,6% vào năm 2023. Mức tăng trưởng chung của các nước trong ASEAN trong cùng thời gian lần lượt là 5,1% và 5,2%.
Theo báo cáo, triển vọng tăng trưởng tích cực này được củng cố bởi tỷ lệ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cao của khu vực, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro sức khỏe cho người dân và các chính phủ nhanh chóng nới lỏng những hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo trong ASEAN+3, rủi ro tài chính vẫn còn cao ở nhiều nền kinh tế do đại dịch. Do đó, các chính sách tài chính vĩ mô khu vực hiện tiếp tục được tập trung vào việc giảm nhẹ tác động của dịch bệnh đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nếu sự phục hồi bị trì hoãn, sẽ có nhiều doanh nghiệp và cá nhân có thể gặp khó khăn về tài chính hơn.
Bên cạnh đó, xung đột ở Ukraine đang nổi lên là một nguy cơ đối với triển vọng kinh tế khu vực. Mặc dù sự tiếp xúc trực tiếp với Nga và Ukraine của các nền kinh tế ASEAN+3 là hạn chế, nhưng các nước này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu xung đột kéo dài.
Ngoài ra, những khó khăn kinh tế như chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, lạm phát toàn cầu cao hơn và tăng trưởng toàn cầu thấp hơn chắc chắn sẽ làm tổn hại đến xuất khẩu và tăng trưởng của khu vực ASEAN+3.
Cùng với đó, lạm phát tăng vọt ở Mỹ đã thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Fed đã tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến và kéo theo đó là sự thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến lãi suất, dòng vốn và dẫn đến biến động thị trường tài chính trong khu vực.
Các chính sách toàn cầu ít mang tính hỗ trợ hơn trong năm 2022, nên các nhà hoạch định chính sách của khu vực cần phải thực hiện hành động cân bằng quan trọng, tránh rút hỗ trợ chính sách sớm để duy trì sự phục hồi kinh tế. Đồng thời tạo điều kiện cho việc phân bổ lại nguồn vốn và lao động cho các lĩnh vực mới và mở rộng, khôi phục không gian chính sách để chuẩn bị cho các rủi ro trong tương lai.