Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo thành phố. Ảnh: VGP |
Kinh tế tri thức và trung tâm dịch vụ chất lượng cao là trụ cột phát triển của Đà Nẵng
Theo Phó Thủ tướng, Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng, lợi thế và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước, là cửa ngõ phía đông mở ra Thái Bình Dương của hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế của khu vực.
Nằm trên con đường di sản thế giới ở miền Trung (Phong Nha - Kẻ Bàng - cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn), Đà Nẵng có tiềm năng du lịch phong phú, nhất là du lịch biển, sinh thái, nghỉ dưỡng, cùng nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích, lễ hội truyền thống và địa danh lịch sử...
"Đà Nẵng hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững đóng vai trò là một trong những cực tăng trưởng của đất nước."
Bản quy hoạch TP Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sản phẩm của tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn với các mục tiêu phát triển dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, cụ thể hoá chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 24/1/2019, về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành phố sẽ đóng vai trò của một trong những đô thị trung tâm của chuỗi đô thị, cực tăng trưởng cả vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, khu vực bắc Tây Nguyên. Đây là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin.
Đồng thời Đà Nẵng là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước.
Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới, được kỳ vọng tạo ra xung lực mới để Đà Nẵng tiếp tục tạo ra kỳ tích lần thứ hai về phát triển kinh tế - xã hội với các trụ cột là kinh tế tri thức và trung tâm dịch vụ chất lượng cao.
Trong đó, thành phố sẽ phát triển kinh tế tri thức với hai mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; du lịch gắn với sinh thái, văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt, giá trị gia tăng.
Về phát triển thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao, quy hoạch đề ra hai mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu tham vọng trên không thể nghĩ và làm theo lối cũ, cách thường, mỗi cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân Đà Nẵng phải chuyển hóa khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất để thành phố không chỉ đáng sống mà còn đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm.
Ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội
Phó Thủ tướng nêu một số kinh nghiệm để thành phố triển khai các nhiệm vụ, cụ thể của quy hoạch. Trước hết, Đà Nẵng phải khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, phân bổ nguồn lực, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ các chương trình, dự án trong quy hoạch.
Công bố rộng rãi, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội thực hiện Quy hoạch; đồng thời rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
Đồng thời, thành phố cần nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá; tập trung cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Ban hành các tiêu chuẩn xanh, suất vốn đầu tư, công nghệ trong thu hút đầu tư để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu lấy kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm nền tảng.
Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Thành phố cũng cần ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, gồm các dự án tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.
Các dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông kết hợp đô thị (TOD), hạ tầng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội, công nghệ thông tin cấp thiết, các dự án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, đổi mới sáng tạo, bảo đảm quốc phòng - an ninh...
Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là động lực đột phá. Trong đó tập trung vào những ngành như du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, bán dẫn, nhân lực số, dịch vụ logistics, cảng biển.
Phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ.
Chú trọng phát triển văn hóa, con người, nâng chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, tiếp tục xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống đẳng cấp quốc tế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo thành phố trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại lễ công bố quy hoạch. Ảnh: VGP |
Thành phố cũng cần chú trọng quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên biển; đẩy mạnh đầu tư vào việc bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Cho rằng "chìa khoá" thành công của Đà Nẵng nằm ở khả năng khơi dậy nguồn lực con người vô cùng mạnh mẽ, Phó Thủ tướng tin tưởng với những lợi thế riêng có, cùng tinh thần vượt khó, khát khao vươn lên của nhân dân và đội ngũ lãnh đạo năng động, đoàn kết, nhất trí, có quyết tâm và tầm nhìn, đang không ngừng nỗ lực để Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững đạt được những mục tiêu đề ra trong Quy hoạch.
Cũng tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chứng kiến lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng trao chứng nhận, quyết định đầu tư cho 7 dự án, trong đó có 6 dự án có vốn đầu tư trong nước (1 dự án tăng vốn đầu tư) và 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vừa được cấp phép trong thời gian qua trên địa bàn thành phố với tổng vốn đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng.