Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho lãnh đạo Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. |
Không ngừng kiện toàn, lớn mạnh
Theo thông tin tại buổi lễ, ngày 22/2/1994, UBND tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) ra quyết định số 153/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh. Ban có chức năng trực tiếp quản lý, bảo tồn, tôn tạo, xây dựng, phát huy các giá trị của di tích; tổ chức các hoạt động quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống, các sự lệ cổ truyền, các hoạt động văn hoá, du lịch dịch vụ và xây dựng, tu bổ di tích tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc theo quy định của pháp luật.
Từ ngày thành lập đến nay, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc luôn phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, quản lý di tích trên mọi lĩnh vực như tu bổ tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, quản lý đất đai, đảm bảo an ninh, trật tự và thống nhất đề xuất đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, bến bãi xe, dịch vụ hàng quán khu di tích…
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương phát biểu tại buổi lễ. |
Hiện nay, Ban Quản lý di tích tiếp tục triển khai các hạng mục của dự án tu bổ, tôn tạo đền Kiếp Bạc gồm tu bổ sân lễ hội, cổng tứ trụ, đường thần đạo, thủy đình...; dự án tu bổ, tôn tạo chùa Côn Sơn gồm cổng nối tiền, hậu hành lang, đường xuống đền thờ Nguyễn Trãi...
Bên cạnh đó, phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng tỉnh triển khai dự án bảo tồn khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch gồm cải tạo Viên Lăng, kè hồ Kiếp Bạc, xây dựng bãi xe phía Tây Côn Sơn, cải tạo hồ Bán nguyệt, vườn tháp, vườn Lâm Tì Ni Côn Sơn; dự án phục hồi dòng chảy suối Côn Sơn, dự án xây dựng nhà trưng bày Trần Hưng Đạo tại Kiếp Bạc; dự án cải tạo núi Mâm Xôi, hồ phía Bắc Kiếp Bạc. Ngoài ra, đơn vị tiếp tục báo cáo đề xuất đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 nhiều nhóm dự án quan trọng trong khu di tích...
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. |
Với những kết quả đạt được, năm 2012 Côn Sơn - Kiếp Bạc được Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; lễ hội Côn Sơn, lễ hội Kiếp Bạc được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, Hồ sơ “Quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” đã được 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đệ trình lên tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, trải qua 30 năm hình thành và phát triển, tổ chức bộ máy của Ban Quản lý di tích không ngừng được kiện toàn, lớn mạnh. Cơ cấu tổ chức của Ban hiện nay gồm ban lãnh đạo (một Trưởng Ban và 2 Phó Trưởng Ban) và 8 phòng chức năng. Tổng số viên chức, lao động hợp đồng gồm 94 người, trong đó có 40 viên chức, 31 hợp đồng 111, 21 hợp đồng thường.
Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phát biểu tại buổi lễ. |
Về trình độ chuyên môn có một tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 33 đại học, cao đẳng. Lý luận chính trị có 15 trung cấp chính trị, còn lại là sơ cấp. Chi bộ Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có 30 đảng viên trực thuộc Đảng bộ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương...
Phấn đấu trở thành khu du lịch quốc gia
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đạt được trong 30 năm qua, đồng thời khẳng định những kết quả đạt được của Ban trong thời gian qua là rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn.
Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phát biểu tại buổi lễ. |
Để tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, góp phần vào việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của xã hội, ông Nguyễn Thành Trung đề nghị Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cần tập trung giải quyết đồng bộ các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích thường nhật và lâu dài. Trong đó, củng cố, nâng cao chất lượng mọi mặt của tổ chức bộ máy Ban Quản lý di tích; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Đồng thời, đổi mới công tác quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, quản lý tài chính; tuyên truyền, hướng dẫn phát động nhân dân làm tốt công tác xã hội hóa các hoạt động ở di tích; tham mưu thường xuyên và kịp thời cho các cấp chính quyền và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quản lý di tích.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ nghiên cứu khoa học, không ngừng củng cố tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên thuộc Ban Quản lý di tích, làm cơ sở vững chắc hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương bày tỏ tin tưởng, với truyền thống 30 năm, tập thể cán bộ và nhân viên Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phát huy thành tích đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành một trong những trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn của đất nước, trở thành khu du lịch quốc gia và hướng tới trở thành di sản văn hóa thế giới, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh Hải Dương…
Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm. |
Để tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, trong thời gian tới, Ban Quản lý di tích tập trung giải quyết đồng bộ các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích. Trong đó, thực hiện công tác quản lý, bảo tồn di tích theo quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các nhóm dự án quy hoạch chi tiết, dự án hạ tầng cơ sở, dịch vụ, nghiên cứu văn hóa phi vật thể, xây dựng các công trình văn hóa mới để đến năm 2030 Côn Sơn - Kiếp trở thành trung tâm văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng lớn của đất nước.
Đồng thời, hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù mang đặc trưng văn hoá của vùng Côn Sơn - Kiếp Bạc để tạo thương hiệu riêng, tạo công ăn việc làm cho nhân dân, đáp ứng nhu cầu du khách như: du lịch sinh thái, nghỉ cuối tuần, vui chơi giải trí, du lịch tham quan di tích lịch sử lễ hội, du lịch làng nghề, làng cổ...
Xây dựng đội ngũ cán bộ của Ban Quản lý có chất lượng cao, có trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ thông tin, hiểu biết về di tích cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của di tích.
Bên cạnh đó, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa di tích; tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo hành lang pháp lý, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là di sản thế giới; khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu, đánh dấu bước chuyển mình lên một tầm cao mới của Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; phấn đấu trở thành khu du lịch quốc gia góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Hải Dương trở thành kinh tế mũi nhọn…