Ảnh minh họa: PVN. |
Đây là thông tin được Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngày 5/1.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, năm 2023, bên cạnh những khó khăn chung giống như cộng đồng doanh nghiệp cả nước, PVN còn phải chịu tác động bất lợi bởi 3 yếu tố gắn với đặc thù hoạt động của tập đoàn.
Đó là: tình hình địa chính trị quốc tế và Biển Đông diễn biến phức tạp; tốc độ dịch chuyển năng lượng nhanh, biến động lớn về cung - cầu và giá các sản phẩm năng lượng suy giảm mạnh so với năm 2022 và việc huy động khí tự nhiên, điện thấp hơn so với năng lực sản xuất của PVN.
Năm 2023, giá dầu thô giảm 17- 38%, giá phân bón giảm 25- 30%; biên lợi nhuận lọc hóa dầu giảm 24-26% so với năm 2022.
Tuy nhiên, nhờ thực hiện các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, kết quả năm 2023, PVN đã hoàn thành vượt từ 2-33% mức kế hoạch các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao.
Nổi bật trong đó là: Gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 13,0 triệu tấn quy dầu, vượt 8,3%; khai thác dầu đạt 10,41 triệu tấn, vượt 12,1% kế hoạch năm, trong đó khai thác dầu ở trong nước đạt 8,63 triệu tấn, vượt 14,7% kế hoạch năm
Sản lượng khai thác khí đạt 7,47 tỷ m3, vượt 25,7% so với kế hoạch được giao (bằng 92% so với khả năng cấp khí của PVN); Sản xuất đạm đạt 1,76 triệu tấn, vượt 9,4% kế hoạch năm. Sản xuất xăng dầu (không gồm Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - NSRP) đạt 7,36 triệu tấn, vượt 33,2% kế hoạch. Kinh doanh xăng dầu toàn tập đoàn đạt 11,40 triệu tấn, vượt 26% kế hoạch.
Đặc biệt, PVN có 6 chỉ tiêu trọng yếu tăng trưởng từ 3 - 31% so với năm 2022 gồm: sản lượng điện đạt 23,07 tỷ KWh tăng 31%; sản xuất xăng dầu tăng 7,3%; đạm hạt đục tăng 2,8%; NPK Cà Mau tăng 24,1%; Polypropylen tăng 12,2%.
"Riêng chỉ tiêu về kinh doanh xăng dầu, năm vừa qua, PVN đã tăng 11,2%. Chúng tôi đã thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã giao "trong mọi tình huống, không để đứt gãy, không để thiếu nguồn cung xăng dầu phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội"
Chủ tịch PVN cũng cho biết, năm vừa qua, tất cả các chỉ tiêu tài chính của tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch năm. Đáng chú ý, doanh thu toàn tập đoàn năm 2023 đã thiết lập mức kỷ lục mới sau 62 năm Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.
Theo đó, tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 942.800 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, tăng hơn 11.600 tỷ đồng so với năm 2022 là 931.200 tỷ đồng.
Đây là nỗ lực rất lớn của toàn PVN trong điều kiện giá xuất bán các sản phẩm chủ lực của tập đoàn giảm từ 17,1% đến 30% so với năm 2022. Tổng doanh thu toàn tập đoàn tương đương 9,2% GDP cả nước.
Cùng với tập đoàn, các đơn vị thành viên cũng thiết lập các kỷ lục trong sản xuất xăng dầu và đạm. Trong năm 2023, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất của Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt công suất trung bình trong năm là 112%, Nhà máy Lọc Dầu Nghi Sơn (NSRP) hoạt động 105% công suất từ tháng 11/2023 đến nay.
Nhà máy Đạm Cà Mau duy trì công suất bình quân cả nhà máy đạt 110-115%. Nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt 114% công suất bình quân sản xuất đạm urea. Sản lượng đạm từ 2 nhà máy đã đáp ứng trên 73% nhu cầu phân bón của cả nước.
Điều này đã góp phần làm nên một năm 2023 thắng lợi của lĩnh vực chế biến dầu khí khi kể từ khi thành lập: CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đạt kỷ lục trong sản xuất với 7,3 triệu tấn xăng dầu và 950.000 tấn urea.
Kết quả này đã đưa chỉ tiêu sản xuất xăng dầu của toàn tập đoàn vượt 33% và sản xuất đạm urea vượt 9% so với kế hoạch.
Năm 2023, PVN thực hiện nộp ngân sách Nhà nước đạt 151.800 tỷ đồng, vượt 94% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 54.500 tỷ đồng, vượt 57% kế hoạch năm.
PVN cũng tối đa hiệu quả và tối ưu chi phí, thực hành tiết kiệm toàn tập đoàn năm 2023 đạt 3.072 tỷ đồng, vượt 37% kế hoạch năm.
Về đầu tư, ông Lê Mạnh Hùng cho biết, giá trị thực hiện đầu tư của PVN năm 2023 đạt mức tăng trưởng cao nhất sau nhiều năm, với mức tăng 24% so với thực hiện năm trước.
Theo đó, trong năm, PVN đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại và đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án trọng điểm khó khăn gồm: Dự án Thái Bình 2; Kho cảng LNG Thị Vải; đưa vào khai thác sớm 4 mỏ/công trình dầu khí (nhiều hơn so với kế hoạch năm 1 mỏ công trình).
Bên cạnh đó, PVN cũng có 2 phát hiện dầu khí mới tại Lô 16-2 (giếng khoan Hà Mã Vàng -1X) và tại lô PM3-CAA (giếng khoan Bunga Lavatera-1). "Đây là dấu mốc quan trọng trong một năm kể từ năm 2018 đến nay", ông Lê Mạnh Hùng nhận định.
PVN cũng thực hiện ký kết các hợp đồng EPC dự án phát triển mỏ thuộc Chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn sau nhiều năm...
Với kết quả sản xuất kinh doanh nêu trên, PVN đã liên tục tăng trưởng trong các năm qua, quy mô doanh thu năm 2023 đã tăng 66,6% so với năm 2020 (566.000 tỷ đồng), có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP và thu ngân sách của Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, an ninh lương thực và chủ quyền biển đảo quốc gia.
Ông Lê Mạnh Hùng khẳng định, xác định năm 2024 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021- 2025, trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tình hình thế giới và thị trường diễn biến phức tạp hơn, khó dự báo hơn, song, PVN đã xây dựng và đặt ra mục tiêu với quyết tâm thực hiện cao hơn, áp lực cao hơn so với kế hoạch 2023, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng liên tục và phát triển bền vững.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch PVN Lê Mạnh Hùng đưa ra 3 kiến nghị gồm: Đề nghị sớm thông qua, ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 41 ngày 23/7/2015 về chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để PVN mở rộng không gian, phạm vị phát triển của PVN; sớm ban hành cơ chế phát triển năng lượng mới, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, cơ chế cho phát triển điện khí LNG nhập khẩu; sớm ban hành cơ chế huy động đồng bộ, sử dụng nguồn khí tự nhiên khai thác trong nước để sản xuất điện.