Điểm nhấn trong bức tranh tài chính của TCBS là 12.750 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết sở hữu tại cuối quý 2/2023. |
CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) vừa công bố BCTC riêng quý 2/2023, ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 19.7% so với cùng kỳ về còn 1.084 tỷ đồng, bao gồm 208,6 tỷ đồng lãi bán các tài sản tài chính FVTPL (giảm 36%), 398 tỷ đồng lãi từ các khoản cho vay và phải thu (giảm 1,2%).
Trong kỳ, công ty ghi nhận 220,9 tỷ đồng doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán, giảm 34% so với thực hiện của quý 2/2022. Nguyên nhân được TCBS cho biết do hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn ảm đạm trong quý 2/2023, nhiều tổ chức phát hành gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh và dòng tiền, trong khi nhu cầu hấp thụ trái phiếu bị thu hẹp do niềm tin của nhà đầu tư vẫn chưa quay lại với thị trường.
Ở chiều ngược lại, lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đạt gần 101 tỷ đồng, cao gấp 3,6 lần cùng kỳ, thu nhập hoạt động khác cũng tăng mạnh từ 0,6 tỷ đồng lên 25,1 tỷ đồng.
Cùng chiều doanh thu, chi phí hoạt động của công ty giảm 20,1% xuống còn gần 176,7 tỷ đồng. Trong đó, lỗ từ FVTPL tăng mạnh lên 54,3 tỷ đồng trong khi chi phí hoạt động khác giảm hơn nửa về còn 75,2 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, TCBS báo lãi trước thuế 551,6 tỷ đồng và sau thuế 442,3 tỷ đồng, thấp hơn lần lượt 33,6% và 33,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế sáu tháng đầu năm 2023, TCBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 2.015 tỷ đồng, giảm 33,8% so với cùng kỳ 2022, lợi nhuận trước thuế giảm một nửa còn 999,7 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành gần 42% mục tiêu doanh thu và 50% lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 vừa qua.
Tổng tài sản tại ngày 30/6/2023 của TCBS là 34.775 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm, bao gồm 5.761 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, 10.182,5 tỷ đồng các khoản cho vay, 687 tỷ đồng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM)…
Điểm nhấn trong bức tranh tài chính của TCBS là 12.750 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết sở hữu tại cuối quý 2/2023, tương đương 36,6% cơ cấu tài sản của công ty. Đáng chú ý, con số này cao gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm và tăng 91,6% so với thời điểm cuối quý 1/2023.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của TCBS đạt mức 12.771 tỷ đồng, giảm 15,4% so với đầu năm. Chiếm phần lớn trong số đó là 11.491 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, tăng 67,2% so với cuối năm 2022.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, TCBS ngày 15/6 vừa phát hành thành công 105 triệu cổ phiếu với giá chào bán 97.542 đồng/CP. Nhà đầu tư duy nhất mua trọn số cổ phiếu nói trên là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Sở hữu của Techcombank tại TCBS được nâng lên 205 triệu cổ phần, tương đương 94,17% vốn điều lệ công ty này.
Trong số 10.242 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành, công ty dự kiến đầu tư 500 tỷ đồng vào công nghệ Wealthtech và khoa học dữ liệu; gần 2,742 tỷ đồng cho hoạt động môi giới chứng khoán, giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán…
Đáng chú ý, gần 70% tổng số tiền thu được, tương ứng 7,000 tỷ đồng, sẽ được TCBS đầu tư cho hoạt động tự doanh chứng khoán (bao gồm nhưng không giới hạn việc đầu tư các mảng kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu…) nhằm duy trì mức lợi suất cao tại công ty, đặc biệt trong giai đoạn hiện tại khi thị trường đang được định giá hấp dẫn.