Thành viên NATO thừa nhận khó khăn để viện trợ quân sự cho Ukraine

chiến sự Nga - Ukraine
15:12 - 24/03/2023
Tổng thống Czech Petr Pavel. Ảnh: AFP
Tổng thống Czech Petr Pavel. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Czech Petr Pavel cho biết nước này đã làm mọi thứ để có thể giúp đỡ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, nhưng khả năng sản xuất đạn dược hiện tại của Praha đang bị hạn chế do tình trạng thiếu lao động.

“Chúng tôi không chỉ cung cấp cho họ những gì chúng tôi có từ kho dự trữ, mà còn mua từ nước ngoài", Tổng thống Czech Petr Pavel lời phỏng vấn tờ Suddeutsche Zeitung của Đức.

Ông cho biết Czech vẫn có khả năng sản xuất một số hệ thống phòng không và đạn dược mà Ukraine cần, nhưng điều này “bị hạn chế do thiếu lực lượng lao động”.

“Czech là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất châu Âu. Có rất ít người lao động tới đây. Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội thông qua việc đưa người lao động từ Ukraine đến Czech”, ông Pavel giải thích.

Thành viên NATO thừa nhận khó khăn để viện trợ quân sự cho Ukraine ảnh 1

Binh sĩ Ukraine tại tiền tuyến ở miền đông. Ảnh: Reuters

Nhận định về năm 2023, Tổng thống Czech nhận định đây là năm mang tính quyết định đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ông Pavel, người từng hoạt động về tình báo và là cựu Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO giai đoạn 2015 - 2018, cảnh báo sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine có thể giảm dần theo thời gian, do nguyên nhân "hiện tượng mệt mỏi vì chiến sự kéo dài".

Nhà lãnh đạo này dự báo sự kiện bầu cử tổng thống ở Mỹ vào năm 2024 sẽ khiến sự quan tâm của cử tri Mỹ chuyển từ đối ngoại sang đối nội.

“Một mình châu Âu gần như không thể duy trì mức độ hỗ trợ Ukraine như hiện nay. Nếu sự ủng hộ của Mỹ suy giảm, thì một số quốc gia châu Âu cũng sẽ hành động tương tự", ông Pavel cảnh báo.

Tổng thống Czech nhấn mạnh rằng Ukraine cần phải tính đến kịch bản này khi lên kế hoạch các bước tiếp theo trên chiến trường. Bởi vì “họ khó có thể khởi động chiến dịch phản công quy mô lớn vào năm sau”, ông Pavel nói.

Theo Bộ Quốc phòng Czech, nước này đã viện trợ cho Ukraine khoảng 2,3 tỷ Euro (2,5 tỷ USD) khí tài quân sự từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Tuy nhiên, Praha không tiết lộ cụ thể loại vũ khí đã cung cấp cho Kiev do lo ngại vấn đề an ninh và chiến thuật.

Với tình hình chiến sự tiếp tục kéo dài, cuộc chiến tiêu hao sẽ gây áp lực lên các nước phương Tây. Trước Czech, nhiều quốc gia NATO đã lên tiếng về vấn đề cạn kiệt kho dự trữ chiến lược vì cung cấp cho Ukraine. Họ đang đối mặt với bài toán cho năm 2023 là làm sao để duy trì ổn định quy mô viện trợ quân sự cho Ukraine, vừa nâng cấp hỏa lực để giúp Kiev tạo đột phá hiệu quả trên chiến trường.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 2 thừa nhận độ tiêu thụ đạn dược của Ukraine vượt xa năng lực hiện tại của ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây và làm cạn kiệt kho dự trữ của các đồng minh.

Trong nỗ lực được đưa ra, lãnh đạo 17 nước châu Âu và Na Uy mới đây đã nhất trí kế hoạch mua chung đạn dược. Kế hoạch này cũng nhằm bổ sung cho kho dự trữ của các nước, vốn đã cạn kiệt sau một năm cung cấp đạn dược cho Ukraine.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần kêu gọi tập thể phương Tây ngừng bơm vũ khí hiện đại cho Ukraine, cảnh báo rằng việc viện trợ quân sự đang diễn ra sẽ chỉ kéo dài chiến sự mà không thay đổi được kết quả cuối cùng. Moscow cũng cho rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện quân đội Kiev khiến họ trở thành các bên tham gia vào cuộc xung đột hiện nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp