Thấu hiểu chính sách để giữ ‘mặt trận kinh tế’

Thấu hiểu chính sách để giữ ‘mặt trận kinh tế’

DOANH NGHIỆP CHÍNH SÁCH
15:08 - 21/06/2023
Trên con đường xây dựng kinh tế đất nước, hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, việc doanh nghiệp thấu hiểu chính sách đóng vai trò quan trọng giúp cũng cố mặt trận kinh tế vững vàng.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) có những chia sẻ với Mekong ASEAN, về góc nhìn của các doanh nghiệp trong hiệp hội đối với việc xây dựng cầu nối chính sách hiệu quả.

Doanh nghiệp đã thực sự hiểu rõ chính sách?

Theo TS. Tô Hoài Nam, trong 5 tháng đầu năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia vào quá trình phục hồi nền kinh tế. Được ví như hình ảnh người lính, cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thành trì của nền kinh tế.

Bức tranh kinh tế chung hiện có hai mảng sáng - tối đan xen lẫn nhau. Trong đó, mảng sáng mang lại niềm tin đến từ du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, thủy sản. Còn mảng xám màu là những sụt giảm đến từ thị trường bất động sản, thu hút đầu tư nước ngoài, sản xuất chế biến chế tạo.

Việt Nam lại đang trong quá trình hội nhập quốc tế, nền kinh tế có độ mở lớn, dễ chịu tác động vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, trong nước có một số khó khăn đang nổi lên, như khả năng tiếp cận vốn, tiếp cận tài chính tín dụng gây ra nhiều rào cản cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp như người lính người lính bảo vệ thành trì của nền kinh tế.

Doanh nghiệp như người lính người lính bảo vệ thành trì của nền kinh tế.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã có những kết quả khảo sát chung, cho thấy 80% doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng “đói vốn”.

“Bối cảnh trên đã tác động lớn đến tâm lý của người làm kinh doanh, từ đó tác động đến ý chí quyết tâm của họ. Mà ý chí, quyết tâm là yếu tố quyết định để một doanh nghiệp vạch ra kế hoạch kinh doanh của mình. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng chân để nghe ngóng, cầm chừng”, TS. Tô Hoài Nam cho biết.

Số liệu 5 tháng đầu năm 2023 cho thấy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, bình quân một tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo ông Tô Hoài Nam, điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp.

Khi mổ xẻ những nguyên nhân, Phó Chủ tịch thường trực VINASME chỉ ra rằng, các chính sách được ban hành trong thời gian qua đã có định hướng đúng đắn. Những dự liệu tầm vĩ mô của lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, Nhà nước đã đưa ra chủ trương, giải pháp ứng phó kịp thời, nhạy bén, trong đó có một loạt chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành.

“Nhưng đáng tiếc là công tác truyền thông chính sách còn chưa đầy đủ, nên số doanh nghiệp hiểu được các chính sách một cách cụ thể, rõ ràng để chuyển hóa thành động lực, hành động còn hạn chế”, TS. Tô Hoài Nam nhìn nhận.

Khâu thực thi vô tình vô hiệu hóa chính sách

Một trong các điểm nghẽn khiến chính sách chưa thực sự thẩm thấu tới doanh nghiệp, được TS. Tô Hoài Nam lý giải nằm ở khâu triển khai tham vấn đối với việc ban hành chính sách. Nguyên nhân theo ông là Việt Nam đã có quy trình tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trước khi ban hành nhưng làm chưa thật sự kỹ lưỡng.

“Vì thiếu sự thấu hiểu, nên chính sách tuy định hướng đúng nhưng khi thực thi còn không đúng lúc, không đúng chỗ, không đúng đối tượng, quy định không cụ thể. Điều này vô tình vô hiệu hóa chính sách”.

TS. Tô Hoài Nam

Các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, Quốc hội, Nhà nước đã nhìn thấy những hạn chế này, khi khâu lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp trước lúc ban hành chính sách cụ thể còn chưa theo kịp với tư tưởng đề ra.

"Một chính sách được tiếp cận thành công là khi doanh nghiệp hấp thụ và thụ hưởng được chính sách. Muốn thụ hưởng được nó thì chính sách đó phải phù hợp với doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều chính sách được ban hành với doanh nghiệp nhỏ và vừa rất đúng đắn, nhưng khả năng hấp thụ và thụ hưởng còn chưa được như mong muốn của chính sách đề ra”, TS. Tô Hoài Nam thẳng thắn nhìn nhận.

Chỉ ra một ví dụ cụ thể đối với các doanh nghiệp VINASME, ông Nam cho biết, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, họ đang rất cần các chính sách về tín dụng. “Tín ở đây là tín nhiệm nhưng quy định lại không cho vay bằng tín nhiệm mà yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, trong khi khung pháp lý đã mở ra. Quy định này là không phù hợp, việc thực thi là không thể gây khó khăn cho doanh nghiệp”, đại diện VINASME chia sẻ.

Là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế khi chiếm 96,7% trong tổng số khoảng hơn 800.000 doanh nghiệp trên cả nước, các doanh nghiệp VINASME cũng có những khó khăn chung trong quá trình tiếp cận chính sách.

“Trong đó, khó khăn mang tính bao quát nhất là các điều kiện cho đối tượng thụ hưởng chưa phù hợp với đại bộ phận doanh nghiệp. Có thể kể đến như chính sách cấp bù lãi suất 2%, rất nhân văn, đúng đắn nhưng khi quy định cụ thể đưa ra thì rất ít doanh nghiệp tiếp cận được”, TS. Tô Hoài Nam nêu thêm ví dụ.

Báo chí là người bạn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp hấp thụ chính sách

Đánh giá cao công tác truyền thông chính sách sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có VINASME có thể thấu hiểu và đưa chính sách thành động lực, niềm tin trong bối cảnh này, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng của báo chí.

Để làm tốt hơn nữa công tác truyền thông chính sách, ông Nam khẳng định: “Báo chí cần thực sự trở thành người bạn lâu năm, đồng hành cùng doanh nghiệp. Khi đó, báo chí - doanh nghiệp có thể cùng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, khẳng định mối quan hệ mang ý nghĩa sinh tồn”.

Đưa ra một số đề xuất, Phó Chủ tịch VINASME mong muốn, các cơ quan báo chí, truyền thông có sự thấu hiểu hơn đối với các doanh nghiệp để phản ánh xã hội, phản ánh những bất cập tác động tới thị trường và tác động đến hoạch định chính sách.

Muốn làm được điều đó, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, các cơ quan báo chí cần sự chủ động gần doanh nghiệp với tinh thần thiện chí, xây dựng, không để hình ảnh tiêu cực trong mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, báo chí cũng cần thực hiện sứ mệnh chính trị lên án đấu tranh tiêu cực với thái độ công bằng tuy nhiên cũng cần có sự chia sẻ đúng mực với doanh nghiệp khi phản ánh các vi phạm, trong đó, hết sức coi trọng yếu tố sinh tồn của doanh nghiệp.

Một đề xuất khác mà đại diện VINASME nhắc đến là bản lĩnh dám bảo vệ của báo chí khi doanh nghiệp gặp sách nhiễu phiền hà từ một cơ quan nào đó để tránh sự tổn thương cho doanh nghiệp, từ đó, bảo vệ môi trường kinh doanh tốt đẹp của Việt Nam.

Đọc tiếp