Thêm 2 doanh nghiệp thép đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng mạnh

SMC Thép Nam Kim
16:07 - 01/04/2023
Doanh nghiệp thép lạc quan hơn về triển vọng ngành năm 2023.
Doanh nghiệp thép lạc quan hơn về triển vọng ngành năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Thép Nam Kim và Đầu tư Thương mại SMC cùng lạc quan về triển vọng ngành thép năm 2023, thông qua việc đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng mạnh sau năm 2022 thua lỗ.

CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) ngày 31/3 công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, dự kiến tổ chức ngày 21/4 tại TP HCM.

Theo đó, công ty đặt mục tiêu tổng sản lượng năm nay là 940.000 tấn; tổng doanh thu 20.000 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 107 tỷ đồng.

Thép Nam Kim cho biết, năm 2023, HĐQT đánh giá là thời điểm để củng cố lại các mối quan hệ với đối tác trong và ngoài nước cũng như ổn định tình hình tài chính.

Trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn trong quá khứ, như giai đoạn khủng hoảng tài chính 2011 - 2012 hay giai đoạn chiến tranh thương mại 2018 - 2019, NKG cho rằng thị trường năm 2023 sẽ chưa thực sự thuận lợi để tăng trưởng, nhưng “những gì khó khăn nhất đã qua”.

Để thực hiện mục tiêu, công ty sẽ tối ưu hóa năng lực các dây chuyền sản xuất để hướng đến công suất trên 1,2 triệu tấn/năm, qua đó gia tăng năng suất.

Tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm mạ màu và hợp kim, hướng tới các dòng sản phẩm có thể phục vụ cho sản xuất đồ gia dụng, chi tiết máy, cơ khí chính xác. Nghiên cứu các dòng sản phẩm mới để phục vụ cả cho các nhà máy hiện hữu và chiến lược xây dựng nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ trong tương lai.

Tại ĐHĐCĐ năm 2022, ban lãnh đạo Thép Nam Kim từng chia sẻ về kế hoạch đầu tư dự án nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ tại khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương (Bà Rịa - Vũng Tàu) với quy mô 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên do tình hình khó khăn giai đoạn vừa qua, công ty đã phải tạm dừng kế hoạch này.

Hiện nay, Nam Kim đang có 3 nhà máy với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, chuyên sản xuất tôn lạnh, tôn lạnh màu, tôn kẽm, ống thép. Nếu hoàn thành thêm nhà máy mới, công suất toàn hệ thống sẽ gấp 1,2 lần lên 2,2 triệu tấn/năm.

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) cũng đặt kế hoạch có lãi trở lại trong năm 2023. Theo tài liệu họp cổ đông (dự kiến tổ chức ngày 22/4 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), công ty đặt kế hoạch doanh thu 20.350 tỷ đồng, giảm 12,2% so với 2022 và lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 651,8 tỷ đồng. Trong đó, tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến 1 triệu tấn, giảm 20,2% so với cùng kỳ.

Theo SMC, năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn với ngành thép khi thị trường bất động sản gần như chưa thể hồi phục, trong khi các vấn đề về thắt chặt tín dụng và chi phí tài chính cao vẫn đang là một áp lực không nhỏ. Mặt khác, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là một trong những nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng cho ngành thép nội địa, giúp triển vọng ngành có thể tích cực hơn vào cuối năm 2023.

Trước Thép Nam Kim và SMC, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng cho rằng triển vọng ngành thép sẽ sáng hơn trong năm 2023. CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,1% và tăng 11,5 lần so với thực hiện năm 2022.

Hai “ông lớn” Hoà Phát (HPG)Tôn Hoa Sen (HSG) mặc dù đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng với lợi nhuận tăng trưởng âm nhưng đều có chung nhận định “ngành thép đã bước qua thời kỳ khó khăn nhất”.

Tin liên quan

Đọc tiếp