Ảnh minh họa |
Xếp vị trí thứ nhất trong top doanh nghiệp trả cổ tức trong năm nay tính đến thời điểm 28/3 là Công ty CP Vinacafé Biên Hòa (mã chứng khoán VCF). Theo tài liệu chuẩn bị Đại hội cổ đông, VCF sẽ chia cổ tức 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 250%, tương đương 25.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, lợi ích chủ yếu thuộc về cổ đông lớn duy nhất là Công ty TNHH MTV Masan Beverage (thuộc Tập đoàn Masan) khi sở hữu 98,79% vốn, tương đương thu về 654 tỷ đồng cổ tức. Trên thị trường chứng khoán, VCF đang giao dịch ở mức giá 261.000 đồng/cp.
Năm 2021, VCF đạt 2.217 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 23,6% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 429 tỷ đồng, giảm 41% so với số lãi 721 tỷ đồng của năm 2020. Năm 2022, VinaCafé Biên Hòa đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt từ 2.500 - 2.900 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt từ 500 - 600 tỷ đồng; lần lượt tăng trưởng 12,8% và 16,6% so với thực hiện năm 2021.
VCF đặt kế hoạch thận trọng do đánh giá tình hình chiến sự bất ổn của thế giới sẽ làm giá cả đầu vào như dầu, nguyên vật liệu, bao bì tăng; dẫn đến lạm phát có thể tăng mạnh gây ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu của người tiêu dùng.
Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (SeaProdex, mã chứng khoán SEA) cũng “chơi lớn” khi thông báo tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền tỷ lệ 95%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 9.500 đồng. Với 125 triệu cổ phiếu đang lưu hành, SeaProdex sẽ phải chi trả tương ứng 1.200 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
Năm 2021, SEA đạt doanh thu hợp nhất hơn 1.008 tỷ đồng, tăng 21,32% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế 202,53 tỷ đồng, giảm 27,31%. Với việc sở hữu 63,3% cổ phần doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nhận về khoảng 752 tỷ đồng.
Đây là lần thứ hai Seaprodex chia cổ tức từ khi đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán vào cuối năm 2016. Lần đầu tiên công ty trả cổ tức là cuối năm 2018 với tỷ lệ 2%, tức mỗi cổ phiếu nhận 200 đồng. Trên thị trường, cổ phiếu SEA ghi nhận đà tăng liên tiếp từ 10/3 đến nay, từ mức giá 48.000 đồng/cp lên 62.000 đồng.
Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khác lên kế hoạch chi 45% cổ tức tiền mặt trong năm 2022 là Công ty cổ phần Đầu tư Đa quốc gia (mã chứng khoán IDI). Cụ thể, theo tài liệu trình đại hội cổ đông trong phiên họp sắp tới, IDI đưa phương án chi trả 15% cổ tức tiền mặt ngay trong quý 2-3 năm nay; đồng thời là phương án chi cổ tức tiền mặt 30% cho năm 2022. HĐQT xin ý kiến luôn về việc cho phép tạm ứng một phần cổ tức năm 2022 ngay trong năm nay.
Năm nay, IDI đặt mục tiêu doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mục tiêu 900 tỷ đồng, lần lượt tăng 45% và gấp 6,3 lần thực hiện năm 2021; tương ứng mức thu nhập trên mỗi cổ phần hơn 4.000 đồng. Mức lợi nhuận như trên được xây dựng trên cơ sở các đơn hàng đã ký kết.
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá tra, IDI đang hưởng lợi khi giá cá tra hiện vọt lên trên 32.000 đồng/kg, sắp phá kỷ lục 35.000 đồng/kg. Đặc biệt, nhu cầu tăng cao trên thị trường thế giới khiến giá cá tra xuất khẩu liên tục lập những đỉnh cao mới, thậm chí tới trên 6 USD/kg, mức cao nhất từ trước tới nay.
IDI đang hưởng lợi khi giá cá tra lên cao. Ảnh: IDI |
CTCP Dược Hậu Giang (mã chứng khoán DHG) cũng góp mặt trong danh sách trả cổ tức bằng tiền mặt cao. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chốt quyền trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 35%, thời gian thanh toán dự kiến từ ngày 15/4/2022. Như vậy, với 130,75 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, công ty sẽ phải chi hơn 457,6 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
Tại ĐHCĐ thường niên vừa tổ chức ngày 18/3, DHG đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với chỉ tiêu doanh thu thuần 4.220 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 853 tỷ đồng. Năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.003 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 864 tỷ đồng, lãi sau thuế đem về 776,3 tỷ đồng, tăng 5%.
Ngoài các công ty đã chính thức công bố thì một số doanh nghiệp cũng được cổ đông đang kỳ vọng vì từng trả cổ tức cao. Đáng chú ý là CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã chứng khoán NTC). Cổ tức năm 2020 của NTC lên đến 200%, tương đương một cổ phiếu được chia 20.000 đồng. Trong báo cáo thường niên năm 2021 vừa công bố, công ty dự kiến sẽ dùng 192 tỷ đồng chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 80%.
Năm 2021, Nam Tân Uyên đạt 264 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2,9% so với năm 2020 và mới chỉ hoàn thành 57% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 294 tỷ đồng, tăng nhẹ so với số lãi 291 tỷ đồng đạt được năm 2020. Như vậy, NTC sẽ dùng khoảng 65% tổng lợi nhuận cả năm để chia cổ tức.
Tổng công ty CP máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) năm 2020 chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ lên 107,06%, tương đương gần 11.000 đồng/cổ phiếu. Hay Công ty CP dịch vụ trực tuyến FPT (FOC) năm 2020 cũng chia cổ tức bằng tiền mặt lên 200%, tương đương 20.000 đồng/cổ phiếu.