Thép Nam Kim dự kiến khởi công nhà máy mới vào quý 2 này. |
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 mới công bố, CTCP Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) dự kiến chào bán tối đa 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, tức cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới. Giá chào bán là 12.000 đồng/cp, chỉ bằng một nửa giá cổ phiếu NKG chốt phiên 5/4 (24.450 đồng/cp).
Với 1.580 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt chào bán, công ty sẽ dành hết cho việc góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án trên được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 6/2/2024. Nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm khác bằng kim loại, sản xuất các loại tôn thép như tôn mạ kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm (tôn lạnh), tôn mạ hợp kim nhôm kẽm phủ sơn, tôn mạ kẽm phủ sơn; sản xuất sắt, thép, gang.
Quy mô dự án gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 (chưa VAT) là 4.500 tỷ đồng.
Đến thời điểm 31/3/2024, Nam Kim đã góp vốn 500 tỷ đồng để thực hiện dự án. Công ty đang thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, dự kiến sẽ khởi công từ quý 2/2024.
Bên cạnh đó, HĐQT NKG còn đề xuất hai phương án tăng vốn khác. Một là phát hành hơn 52,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ thực quyền 100:20, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới.
Hai là phát hành tối đa 2,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp. 50% số cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Số cổ phiếu còn lại bị hạn chế chuyển nhượng 2 năm.
Nếu hoàn thành cả ba đợt phát hành trên, dự kiến vốn điều lệ của Nam Kim sẽ tăng từ 2.633 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng.
Về kế hoạch kinh doanh, năm nay Nam Kim đặt mục tiêu doanh thu 21.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 420 tỷ đồng; tăng lần lượt 13% và 137% so với năm 2023.
Ban lãnh đạo công ty đánh giá, 2024 vẫn là một năm rất khó khăn cho ngành thép - tôn mạ. Trên thế giới, xung đột địa chính trị vẫn đang tiếp diễn, lãi suất toàn cầu vẫn ở mức cao và sự cạnh tranh gay gắt đến từ các đối thủ sẽ là những trở ngại chính đối với sự phục hồi của Nam Kim.
Với thị trường nội địa, sức mua của người dân vẫn đang là dấu hỏi, trong khi thị trường bất động sản cần thời gian để ngấm các chính sách hỗ trợ. Vì vậy, HĐQT cho rằng con đường phục hồi của Nam Kim trong năm 2024 vẫn sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức.