Giao dịch diễn ra từ ngày 17/5 - 19/5 theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh, tạm tính với mức giá trung bình kết phiên, anh rể của Phó Chủ tịch Hòa Phát dự kiến thu về gần 3 tỷ đồng sau thương vụ thoái sạch vốn này.
Trước đó, hồi cuối tháng 3/2023, bà Trần Thị Phương Liên, chị gái ông Trần Tuấn Dương cũng đã bán toàn bộ 273.737 cổ phiếu đang nắm giữ và không còn là cổ đông của Hòa Phát. Thương vụ thoái vốn này đem về cho bà Liên khoảng 5,6 tỷ đồng.
Hiện Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Tuấn Dương đang sở hữu 134,5 triệu cổ phiếu, tương đương 2,31% vốn điều lệ.
Về tình hình kinh doanh năm 2023, Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu 150.000 tỷ đồng và 8.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 6% và giảm 5% so với thực hiện năm 2022. Công ty nhận định ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục, đồng thời cho biết Hòa Phát đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Sang quý 1/2023, công ty ghi nhận doanh thu 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ 2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 383 tỷ đồng. Dù giảm sâu so với cùng kỳ (giảm hơn 95%) nhưng Hòa Phát đã có lãi trở lại sau 2 quý lỗ nặng liên tiếp cuối năm 2022 và hoàn thành 5% kế hoạch năm. Theo Hòa Phát, kết quả này cho thấy việc quản trị hàng tồn kho, nguyên liệu và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường đã phát huy hiệu quả.
Một thông tin liên quan, hồi đầu tháng 5, Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên về các mảng hạ tầng khu công nghiệp, cảng, sản xuất gang thép và dự án thương mại, dịch vụ. Tiến độ đầu tư thực hiện dự án là 36 tháng sau khi được cấp chủ trương đầu tư và bàn giao đất. Tổng mức đầu tư đối với 4 dự án này dự kiến khoảng 120.000 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG mở đầu phiên 24/5 với sắc xanh khi tăng nhẹ 0,2% lên 21.750 đồng/cp. Với mức giá này, cổ phiếu HPG đã hồi phục lại gần 80% so với vùng giá đáy 12.100 đồng/cp kết phiên ngày 10/11/2022.