Theo thông báo mới đây của FTSE Russell, kết quả xếp hạng thị trường chứng khoán thường niên 2024 sẽ được công bố sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên 8/10.
Việc phân loại thị trường trong các chỉ số cổ phiếu toàn cầu FTSE được đánh giá liên tục. Để đảm bảo tính minh bạch, các thị trường đang được xem xét để phân loại lại/chuyển sang trạng thái thị trường phát triển, thị trường mới nổi tiên tiến, thị trường mới nổi thứ cấp, hoặc thị trường cận biên sẽ được đưa vào danh sách theo dõi của tổ chức này.
FTSE Russell nhấn mạnh có 3 thị trường được đưa vào danh sách theo dõi kể từ tháng 3/2024.
Trong đó, thị trường Ai Cập có thể phân loại lại từ trạng thái thị trường mới nổi thứ cấp thành không phân loại.
Thị trường Pakistan có thể chuyển từ thị trường mới nổi thứ cấp thành thị trường cận biên. Việc được phân loại lại từ thị trường mới nổi thứ cấp thành thị trường cận biên có hiệu lực từ phiên mở cửa 23/9.
Thị trường Việt Nam có thể phân loại lại từ trạng thái thị trường cận biên thành thị trường mới nổi thứ cấp.
FTSE Russell duy trì các đánh giá về tiêu chí "chu kỳ thanh toán", quá trình đăng ký tài khoản mới, và việc tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn giới hạn sở hữu nước ngoài (room ngoại) hoặc sắp cạn room nước ngoài.
Theo đó, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí nâng hạng thị trường. Còn lại hai vấn đề cần tháo gỡ là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.
"Để đạt được mục tiêu nâng hạng vào năm 2025, Việt Nam phải sớm xác nhận và phổ biến rộng rãi về mô hình thanh toán mới, bao gồm hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán. Cùng với đó, Việt Nam phải đưa ra lộ trình, với các cột mốc quan trọng cụ thể, để đạt mục tiêu," FTSE Russell nhận định.
Ngày 19/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chính thức đăng tải Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Hai vấn đề lớn bổ sung, sửa đổi tại Dự thảo Thông tư bao gồm giải pháp để nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản (Pre-funding) và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng.
Việc xử lý vấn đề ký quỹ trước giao dịch được đưa ra thông qua giải pháp cho phép các công ty chứng khoán thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Trong đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu vào thời điểm T+0 và được cấp vốn vào thời điểm T+1 đến T+2. Điều này sẽ giải quyết yêu cầu nâng hạng từ FTSE Russell, bao gồm việc chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại.
Đối với quy định lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh, mục tiêu từ ngày 1/1/2028, tất cả các công ty đại chúng và niêm yết sẽ công bố thông tin định kỳ và bất thường bằng tiếng Anh. Điều này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng tính minh bạch của thị trường cũng như sẽ giải quyết vướng mắc từ phía MSCI trong tiêu chí về quy định thị trường và luồng thông tin.