Thị trường giảm điểm diện rộng, VNZ trở thành cổ phiếu đắt nhất lịch sử

CTCP VNG VN INDEX
16:12 - 10/02/2023
Thị trường phiên cuối tuần chìm trong sắc đỏ.
Thị trường phiên cuối tuần chìm trong sắc đỏ.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index phiên 10/2 tiếp tục giao dịch tiêu cực trên nền thanh khoản thấp. Nhiệm vụ gồng gánh thị trường đặt lên vai một số bluechip như VCB, VHM, KDH, VNM… Tuy nhiên, cổ phiếu của kỳ lân công nghệ vẫn ngược dòng ngoạn mục, tiến sát mức giá 900.000 đồng/cp.

Sau phiên sáng giao dịch giằng co với lực cung và lực cầu đều tiết chế, VN-Index bước vào phiên chiều có phần sôi nổi hơn nhưng ưu thế vẫn nghiêng về bên bán. Kết phiên, chỉ số sàn HoSE giảm gần 8 điểm về mốc 1.055,3 điểm. HNX-Index giảm 2,4 điểm còn UPCoM tăng 0,09 điểm.

Thanh khoản thị trường xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua với tổng giá trị khớp lệnh chỉ đạt hơn 8.500 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 2.200 tỷ đồng và mua ròng nhẹ 27 tỷ đồng. HPG được mua ròng mạnh nhất với giá trị 43 tỷ đồng, tiếp theo là GEX với 28 tỷ đồng, VCB 26 tỷ đồng, POW 19 tỷ đồng…

Ngược lại, KDH bị bán ròng mạnh nhất gần 40 tỷ đồng. KBC cũng bị bán ròng 37 tỷ đồng. Đáng chú ý, sau thời gian dài miệt mài gom vào cổ phiếu STB, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay đã bán ra cổ phiếu này với giá trị 25 tỷ đồng.

Thị trường hôm nay giảm điểm trên diện rộng. Có hơn 500 mã giảm giá trong khi chiều tăng chỉ có gần 250 mã. Các nhóm ngành chủ chốt đều chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên do thanh khoản thấp nên các cổ phiếu tránh được tình trạng bán tháo, tỷ lệ điều chỉnh không gây nhiều đau xót.

Một số mã lớn có công gồng gánh giúp thị trường không giảm sâu là VCB +1,6%, VNM +1,2%, VHM +0,2%, KDH +2,04%, BVH +0,9%...

Trong khi nhóm bán lẻ giảm mạnh nhất với tỷ lệ vốn hóa âm 3,5% (chủ yếu do MWG giảm sâu 4,3%) thì nhóm ngân hàng và chứng khoán gây áp lực nặng nhất lên thị trường.

Tại nhóm ngân hàng, ngoài VCB thì trong nhóm chỉ còn LPB giữ được sắc xanh với tỷ lệ +1,1%. EIB giảm sàn về mức giá 22.950 đồng. Sau giai đoạn tăng nóng từ cuối tháng 11/2022 đến đầu tháng 1/2023, cổ phiếu của Eximbank lại liên tục xuống dốc, với mức giảm 21%.

Ngân hàng vừa thông báo điều chỉnh “room” cho nhà đầu tư nước ngoài giảm từ 30% xuống 29,97043%.

VIB cũng giảm sâu 4,5%, STB giảm 3,3%, TPB giảm 2,9%, VPB giảm 2,8%, BID giảm 2,4%...

Ở nhóm chứng khoán chỉ có 2 mã nhỏ giữ được sắc xanh khi kết phiên là HAC và IVS. VND giảm 2,8% trong khi SSI giảm 1,8%. APS, SBS, TCI, VDS, VIG, VIX, WSS giảm 3-5%.

Cổ phiếu VNZ của CTCP VNG tiếp tục tăng trần lên mức giá 893.400 đồng với 300 đơn vị được khớp lệnh. Điều này đánh dấu việc cổ phiếu VNZ chính thức trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất trong lịch sử gần 23 năm giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt qua mức giá 847.000 đồng thiết lập bởi cổ phiếu BMC của CTCP Khoáng sản Bình Định vào tháng 5/2007.

Như vậy, hàng loạt kỷ lục đã được “kỳ lân” công nghệ VNG thiết lập lại chỉ sau chưa đầy 2 tuần giao dịch. Từ việc tăng tới hơn 100.000 đồng/cp chỉ trong một phiên giao dịch – cao hơn hầu hết thị giá cổ phiếu trên sàn thời điểm hiện tại, cho tới ngày càng bỏ xa những cái tên khác để nắm giữ vị trí số một về thị giá trên sàn. Không loại trừ khả năng đỉnh cao mới sẽ còn được tiếp tục ghi nhận trong những phiên tới.

Hiện tại, VN-Index vẫn giữ được trạng thái vận động trên đường hỗ trợ 1.050 điểm và ngoài vùng vận động của kênh downtrend, nhưng đợt điều chỉnh diễn ra đang đe dọa khả năng trụ vững của chỉ số trong vùng hồi phục.

Bên cạnh thị trường trong nước đang chưa rõ xu hướng, ở thị trường thế giới, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã ghi nhận phiên giảm điểm trong ngày thứ Năm (9/2) sau diễn biến trên thị trường trái phiếu một lần nữa làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp