Ảnh minh họa |
Khi nền công nghiệp hàng hóa phát triển, bao bì không chỉ dừng lại ở chức năng chứa đựng và bảo vệ sản phẩm mà nó còn được xem là chiếc áo của sản phẩm, là bộ mặt của thương hiệu, là một trong những yếu tố quan trọng giúp tác động và khích lệ hành vi của người tiêu dùng.
Chính vì vậy, bao bì còn được đánh giá là một công cụ marketing hiệu quả giúp xây dựng giá trị thương hiệu cho các doanh nghiệp. Hơn nữa, bao bì còn làm thay đổi nhận thức của nhà sản xuất và người tiêu dùng về tính bền vững, thân thiện với môi trường và làm thay đổi hành vi của mỗi cá nhân.
“Ngành công nghiệp có thể làm nhiều hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức về các giải pháp bền vững chính bao gồm Reduce (giảm thiểu), Reuse (tái sử dụng), Replace (thay thế) và Recycle (tái chế)".
Từ trước đến nay, các thương hiệu thường ưu tiên sự hấp dẫn của bao bì và chi phí hơn là tính bền vững với môi trường. Điều này cần được xem xét lại khi các quy định mới và tâm lý người tiêu dùng, được thúc đẩy bởi tính bền vững và các mối quan tâm về môi trường, đang thay đổi. Mặc dù sức hấp dẫn chắc chắn là quan trọng, nhưng tác động đến tính bền vững của môi trường không nên coi là mối quan tâm thứ yếu”.
Ngành bao bì sẽ phát triển theo hướng thông minh và bền vững
Tại buổi Talk show “Tính bền vững trong thiết kế bao bì” do Hiệp hội Thiết kế TP HCM tổ chức mới đây tại TP HCM, bà Trần Ngọc Danh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế TP HCM (VDAS) cho rằng, trong những năm tới, ngành bao bì sẽ đòi hỏi đổi mới theo hướng linh hoạt hơn để phù hợp với những nhu cầu thay đổi không ngừng của người tiêu dùng.
Bà Trần Ngọc Danh Phó Chủ tịch Hiệp hội Thiết kế TP HCM (VDAS) |
“Doanh nghiệp sử dụng bao bì thông minh sẽ cung cấp cho người tiêu dùng nhiều chức năng hơn so với công dụng ban đầu của nó. Nghĩa là, bao bì có tính năng động, có thể kéo dài chất lượng/hạn sử dụng của sản phẩm bên trong.
Bao bì có tính thông minh sẽ hiển thị nhiều thông tin có giá trị khác về sản phẩm như hạn sử dụng, chất lượng sản phẩm, độ an toàn của sản phẩm…
Bao bì có tính kết nối có thể kết nối với các thẻ giao tiếp, mã QR, địa chỉ URL hay công nghệ thực tế ảo (AR)… tạo ra những kết nối trực tiếp giữa thương hiệu và người tiêu dùng, đồng thời tránh việc giả mạo sản phẩm.
Ngoài ra, bao bì phải hướng đến sự bền vững. Ngày nay, nhận thức của khách hàng về vấn đề bảo vệ môi trường đang ngày càng tăng cao”.
Người tiêu dùng thậm chí sẽ bắt đầu gây áp lực lên các nhà sản xuất và thương hiệu không tuân theo cách tiếp cận bền vững hơn đối với bao bì sản phẩm khi mà rác thải nhựa đã trở thành vấn nạn môi trường lớn thứ hai chỉ sau biến đổi khí hậu.
Xu hướng cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần không còn là điều mới mẻ trên thế giới. Nhiều nước đã ban hành lệnh cấm đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần, hộp đựng thực phẩm, ống hút nhựa, túi nilong như Canada, Hàn Quốc, Chile, bang New South Wales, New Zealand,...
Về vấn đề này, ông Mason cho rằng áp lực vẫn tiếp tục gia tăng khi các luật và quy định mới được thực hiện trên toàn cầu để hạn chế ô nhiễm và khuyến khích tái chế.
Ví dụ như các quy định đối với các mục tiêu bắt buộc về tỷ lệ tái chế, hàm lượng PCR yêu cầu, thuế và phí về ô nhiễm, các tiêu chuẩn báo cáo nghiêm ngặt và tuân thủ về ghi nhãn mác… Không nằm ngoài xu thế, Việt Nam cũng đang xem xét quy định bắt buộc tái chế chất thải bao bì.
Tìm kiếm sự cân bằng giữa chi phí sản xuất và mục tiêu bền vững
Trong Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 25/7, Việt Nam đứng vào hàng những quốc gia phát sinh rác thải nhựa lớn nhất thế giới với ước tính khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường mỗi năm.
Nghiên cứu cũng dự báo tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi đô thị hóa, cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng và phát triển kinh tế mạnh mẽ, sẽ dẫn đến khối lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng nhanh. "Đến năm 2030, sau chưa đầy 15 năm, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 27 triệu lên 54 triệu tấn", báo cáo viết.
“Không có gì rẻ hơn nhựa sử dụng một lần. Chúng ta chỉ có thể san bằng thực tế này bằng cách nỗ lực đổi mới và đầu tư.
Mọi giải pháp ngoài nhựa đều đắt hơn. Và các giải pháp bền vững thường đắt nhất".
Đề cập đến vật liệu tối ưu cho sản xuất bao bì, ông Joshua Breidenbach - người sáng lập và là Giám đốc sáng tạo của Rice Studios khẳng định nhựa là phương án rẻ nhất.
"Các thương hiệu có thể biện minh cho chi phí cao hơn như là một phần trong ngân sách tiếp thị của họ hoặc bằng cách suy nghĩ trước, dài hạn, vì một sản phẩm được đóng gói cẩn thận sẽ nhận được nhiều tình cảm của thương hiệu hơn một bảng quảng cáo hoặc một chiến dịch kỹ thuật số”.
“Chi phí cao và cơ sở hạ tầng còn thiếu”, ông Mason đồng tình và nhấn mạnh. Tuy nhiên, các quy định của nhà nước và yêu cầu của các đối tác sẽ có tác động mạnh mẽ thực sự trong tương lai khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc. Điều này có nghĩa là, các doanh nghiệp phải sớm nhìn ra lợi ích lâu dài của việc đầu tư vào các giải pháp bền vững, đưa tư duy tái tạo vào quá trình thiết kế bao bì và đổi mới sản phẩm.
Nền kinh tế tuần hoàn dự kiến sẽ mang lại cơ hội 4.500 tỷ USD vào năm 2030, giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và tạo ra các cơ hội việc làm mới. Giá trị kinh tế của việc thực hiện các thực hành tốt nhất trong thiết kế bao bì và báo trước việc tái chế ước tính sẽ tạo ra khoản tiết kiệm 2-3 tỷ USD ở các nước OECD.
Phát triển bền vững cần cân nhắc từ những việc nhỏ nhặt nhất
Chính phủ Việt Nam cũng đã ra chủ trương triển khai chiến lược phát triển bền vững trong nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, tiết kiệm năng lượng, hướng tới phát triển bền vững. Theo khảo sát của Vietnam Report đã có khoảng 40% doanh nghiệp bao bì cũng lựa chọn thực hiện chiến lược này trong thời gian tới.
Ông Calvin Lam - Giám đốc điều hành Inde Pacific Capital, cho rằng cần xuất phát từ những việc nhỏ nhặt nhất, tránh lãng phí nhất. |
Nêu quan điểm về phát triển bền vững trong nghề thiết kế, ông Calvin Lam - Giám đốc điều hành Inde Pacific Capital, cho rằng cần xuất phát từ những việc nhỏ nhặt nhất, tránh lãng phí nhất. Đối với nghề thiết kế, những việc đó xuyên suốt trong cả quá trình từ việc càng tiêu phí ít thời gian bao nhiêu càng tốt, các mẫu thử nghiệm được sản xuất ít hơn trước khi có được sản phẩm cuối. Rồi thời gian vận hành ngắn lại cũng là cách để có một doanh nghiệp xanh với thiết kế bao bì bền vững hơn.
“Việc đầu tư vào các thiết bị máy tính có độ chính xác, độ chi tiết cao cũng là một trong những cách để có được một doanh nghiệp với thiết kế bao bì bền vững và công ty Asus cũng cam kết về một chiến lược bao bì xanh để bảo vệ môi trường bền vững”, bà Elena Đặng từ thương hiệu Pro-Art khẳng định.
Bên lề cuộc thảo luận, đại diện Công ty QLM Label Group cũng chia sẻ “Với ý tưởng không có bao bì hay giảm thiểu bao bì, ai sẽ chịu trách nhiệm thực thi tính bền vững: cơ quan quản lý, công ty hay người tiêu dùng? Chúng ta hoàn toàn nghiện mọi thứ dùng một lần. Làm cách nào để chúng ta chống lại các lợi ích cạnh tranh về 'chi phí thấp' và 'sự tiện lợi' để đạt được sự bền vững?”
Toàn cảnh buổi thảo luận “Tính bền vững trong thiết kế bao bì”. |
Ông Lê Ngọc Ánh Minh - Chủ tịch điều hành Pacific Group, góp ý thêm: “Nhận thức về bao bì nhựa có nhiều quan điểm khác nhau. Tôi ủng hộ quan điểm của PlasticPeople rằng phải tính chuyện 'xài đồ nhựa' như thế nào thay vì tẩy chay chúng để rồi bày ra loại bao bì khác gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn.
Ví dụ, người ta sợ ô nhiễm không khí bèn mua khẩu trang dùng một lần đeo. Chỉ cần mỗi người dùng 1 chiếc khẩu trang 1 ngày và xả rác còn gây ô nhiễm nhiều hơn. Hoặc trào lưu sử dụng bao bì giấy thay nhựa nhưng không tính đến việc sản xuất giấy thì hại môi trường hơn rất nhiều...
Bảo vệ môi trường đòi hỏi sự tính toán đường dài, trong đó phải biết 'trọng dụng' bao bì nhựa. Đừng làm cho nhựa được hiểu là tội đồ mà hãy biến chúng thành thứ có giá trị sau khi sử dụng và được tái sử dụng nhiều lần”.