Quang cảnh hội thảo “Xanh hóa năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai” |
Tại COP 28, Việt Nam đã khẳng định cùng cộng đồng quốc tế hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đây không chỉ là cam kết đối với thế giới mà còn là trách nhiệm với các thế hệ tương lai.
Những vấn đề như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn tài nguyên hóa thạch và chi phí năng lượng gia tăng đều đang trở thành thách thức lớn, đồng thời cũng là động lực để đẩy nhanh xu hướng dịch chuyển năng lượng toàn cầu.
Tại hội thảo “Xanh hóa năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai” tổ chức ngày 27/9, ông Lý Đức Tài, Phó Viện trưởng Viện Khí nhà kính Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong thực thi những giải pháp hướng tới phát triển bền vững.
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, trong đó đề ra lộ trình giảm phát thải bắt buộc đối với 2.166 doanh nghiệp, dựa trên lượng phát thải hơn 3.000 tấn carbon hàng năm. Số lượng doanh nghiệp nằm trong danh sách bắt buộc giảm phát thải sẽ tiếp tục tăng nhiều lên trong tương lai.
Theo ông Trần Văn Nhơn, Tổng giám đốc Intech Energy, trong xu hướng dịch chuyển năng lượng toàn cầu đang nổi lên một số giải pháp gồm tăng sử dụng năng lượng tái tạo; chuyển đổi công nghệ sản xuất; chính sách quốc tế và quốc gia về giảm phát thải; phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng; hiệu quả năng lượng và quản lý tiêu thụ năng lượng.
Khơi thông chính sách
Ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (Intech Group) cho biết, nhiều đối tác xuất khẩu từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,… đều rất quan tâm đến doanh nghiệp có sử dụng năng lượng sạch và luôn ưu tiên doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch để hợp tác. Vì vậy, sản xuất xanh dần trở thành yêu cầu bắt buộc. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã quyết tâm chuyển đổi năng lượng và đầu tư để đạt được mục tiêu giảm phát thải.
Ông Hoàng Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Intech Group |
Là doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm và giải pháp chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, ông Hoàng Hữu Thắng đánh giá cao đề xuất nghiên cứu nâng tỷ lệ mua điện mặt trời mái nhà dư thừa lên 20% công suất lắp đặt ở miền Bắc của Bộ Công Thương mới đây.
“Việc khuyến khích mua lại 20% điện dư thừa của các doanh nghiệp có điện mặt trời áp mái sẽ làm cho các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư hơn và cũng giảm lãng phí. Vấn đề chỉ là cần có quy định rõ ràng hơn về đấu nối vào hệ thống, nhất là các thủ tục cần đơn giản, ngắn gọn hơn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Một vấn đề đáng lưu ý là mặc dù hiện nay công nghệ lưu trữ đang được các tập đoàn đầu tư rất mạnh và quan tâm phát triển, song chi phí vẫn còn cao. Theo tính toán của Intech, nếu doanh nghiệp đầu tư cho năng lượng tái tạo, ở miền Bắc sẽ mất khoảng 5 năm là hòa vốn. Còn ở miền Nam, miền Trung, do có cường độ bức xạ mặt trời cao hơn nên chỉ mất khoảng 4 năm là hoà vốn.
“Tôi tin rằng trong tương lai gần, chỉ cần 1-3 năm nữa thôi là công nghệ sẽ thay đổi rất nhiều và giúp chi phí giá thành cho thiết bị lưu trữ giảm đi. Từ đó, đầu tư sẽ hiệu quả hơn và các doanh nghiệp sẽ mạnh tay đầu tư hơn”, ông Thắng chia sẻ.
Ngoài ra, rào cản pháp lý vẫn đang là một thách thức lớn đối với các dự án năng lượng tái tạo, làm chậm tiến độ dự án. Những vấn đề về đấu nối lưới điện quốc gia, mua bán phần điện dư thừa, cho tới các thủ tục cấp phép còn rườm rà cần được cải thiện để thúc đẩy đầu tư. Như tình trạng hiện nay sẽ gây khó khăn rất lớn đối với các dự án đang phải chịu áp lực về thời gian vay vốn ngân hàng.
“Cũng là một doanh nghiệp tư nhân tôi nhận thấy vấn đề tài chính để đầu tư vào năng lượng xanh thì nhiều doanh nghiệp có thể tự chủ được, nhưng vấn đề là chính sách phải được khơi thông, phải rõ ràng và có sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, không hẳn là hỗ trợ tài chính”, ông Thắng nhấn mạnh.