Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói chuyện với Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom trước cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao NATO tại Trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 28/11/2023. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters dẫn lời ông Tobias Billstrom ngoài lề cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao NATO cho biết: “Tôi đã có cuộc nói chuyện song phương với người đồng cấp của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và được thông báo rằng việc phê chuẩn tư cách thành viên dự kiến sẽ diễn ra trong vòng vài tuần tới”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thụy Điển cho biết phía Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra một mốc thời gian cụ thể nào. Khi được Reuters liên hệ, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ không xác nhận thông tin trên hay đưa ra bình luận.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Thụy Điển và Phần Lan đều đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022 do các lo ngại về an ninh quốc gia. Trong khi Helsinki chính thức trở thành thành viên của liên minh quân sự hồi tháng 4/2023, Stockholm vẫn còn cách rất xa mục tiêu của mình do vấp phải sự phản đối từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục yêu cầu Thụy Điển phải hành động tích cực hơn nữa trong việc trấn áp các nhóm như Đảng Công nhân người Kurd (PKK) được quốc gia này liệt vào danh sách khủng bố. Các cuộc biểu tình đốt Kinh Koran diễn ra tại quốc gia Bắc Âu này càng làm quá trình thảo luận trở nên chậm chạp hơn.
Đáp lại, Stockholm đưa ra dự luật chống khủng bố, quy định tư cách thành viên của một tổ chức khủng bố là bất hợp pháp, đồng thời dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tới tháng 7, Tổng thống Erdogan cuối cùng đã đồng ý đưa cuộc thảo luận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển lên Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc gặp với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Ba nhà lãnh đạo này nhấn mạnh rằng Stockholm đã thay đổi luật chống khủng bố, mở rộng hợp tác chống khủng bố chống lại PKK và bắt đầu xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, hai nước còn đồng ý tạo ra “Hiệp ước An ninh Song phương mới”, trong khi Thụy Điển cam kết đưa ra “lộ trình làm cơ sở cho cuộc chiến liên tục chống khủng bố dưới mọi hình thức”.
Đến tháng 9, Tổng thống Erdogan một lần nữa nhấn mạnh rằng Thụy Điển cần phải giữ lời hứa của mình để nhận được sự ủng hộ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan thừa nhận rằng Thụy Điển đã có một số sửa đổi về mặt luật pháp nhằm giải quyết các lo ngại của Ankara nhưng “như vậy là chưa đủ”.
Tới 23/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đệ trình đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển lên Quốc hội, động thái “mở đường” cho quốc gia Bắc Âu gia nhập liên minh quân sự sau một loạt nỗ lực.
Ở một diễn biến khác, Hungary cho tới hiện tại vẫn chưa đưa ra điều kiện cụ thể nào cho việc Thụy Điển gia nhập NATO. Trước đó ngày 15/9, hai nước xảy ra một số tranh cãi khi Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover chỉ trích Thụy Điển về một bộ phim do Công ty Phát thanh Giáo dục Thụy Điển (UR) phát hành vào năm 2019 có nội dung về tình trạng “dân chủ thấp” tại Hungary.
Đoạn phim ngắn còn vấp phải sự chỉ trích từ Ngoại trưởng Peter Szijjarto. Ông đã viết thư cho người đồng cấp Thụy Điển Tobias Billstrom để bày tỏ sự phản đối trước những gì ông gọi là “những cáo buộc nghiêm trọng” và thông tin sai lệch đang được lan truyền trong giới sinh viên Thụy Điển.
Trong bức thư, ông cáo buộc Thụy Điển “kêu gọi Hungary phê chuẩn việc gia nhập NATO trong khi tiếp tục cáo buộc các nghị sĩ phá hủy nền dân chủ ở Hungary”. Theo ông, những tuyên bố này mâu thuẫn với nhau và “chắc chắn không giúp ích” trong việc mở đường cho việc Thụy Điển trở thành thành viên của NATO.
Đảng Fidesz cầm quyền của quốc gia này cũng từ chối đề xuất của các đảng đối lập về việc tổ chức bỏ phiếu về vấn đề tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Theo hãng tin AP dẫn lời Thủ tướng Hungary Viktor Orbán ngày 25/9, nước này “không nhận thấy có trường hợp khẩn cấp nào” để buộc phải phê duyệt nỗ lực tham gia NATO của Thụy Điển.