Phát biểu tại tọa đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với t hương mại điện tử" diễn ra chiều 23/9, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian qua rất nhanh với tốc độ tăng trưởng từ 20-25%/năm.
Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.
Doanh thu thuế từ thương mại điện tử tại Việt Nam cũng tăng mạnh. Năm 2023 đạt gần 97.000 tỷ đồng và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã thu hơn 78.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2024 sẽ là lần đầu tiên thu thuế thương mại điện tử vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon.
| |
“Thương mại điện tử phát triển nhanh, mạnh đã đóng góp tích cực cho mô hình thương mại hiện đại này trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19. Đây là mô hình kinh doanh hiệu quả để cung cấp các dịch vụ, sản phẩm đến người tiêu dùng cuối. Đồng thời, còn là kênh cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc siêu nhỏ có thể dễ dàng tham gia vào hoạt động kinh doanh, tăng thêm thu nhập và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước”. | |
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số |
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh cũng đặt ra bài toán về phát triển bền vững. Đó là làm sao đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh mà các chủ thể tham gia thị trường phải tuân thủ pháp luật, trong đó có việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế.
Nhìn nhận về những thách thức trong việc quản lý thương mại điện tử, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, thương mại điện tử là hình thức kinh doanh mới trên thế giới và chỉ trong thời gian rất ngắn đã có những hình thức kinh doanh mới ra đời.
"Chính vì lẽ đó, việc quản lý thương mại điện tử cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc làm sao thu đúng thu đủ, thu chính xác đối với hoạt động thương mại điện tử trở thành khó khăn chung với hầu hết cơ quan thuế trên thế giới, kể cả những cơ quan thuế rất phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu,” chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói.
Thực tế, có nhiều trường hợp đặt hàng qua mạng xã hội hoặc các nền tảng không hỗ trợ chức năng mua hàng trực tuyến, thay vì qua các sàn thương mại điện tử. Điều này tạo ra thách thức lớn cho công tác quản lý thuế.
Đề xuất người bán có thể ủy quyền xuất hóa đơn cho sàn TMĐT
Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ cá nhân, kinh doanh (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa Nghị định 12, trong đó có đề xuất quản lý đối với thương mại điện tử. Đó là việc các cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử để có thể xuất hóa đơn thay cho người kinh doanh thông qua sàn.
| |
"Thông qua giải pháp này, tất cả các giao dịch thương mại điện tử dù lớn hay nhỏ, giá trị bao nhiêu cũng sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ. Điều này sẽ hỗ trợ công tác quản lý thuế, quản lý doanh thu và quản lý giao dịch có hợp pháp hay không, giúp người bán hàng chứng minh được nguồn gốc hàng hóa". | |
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ cá nhân, kinh doanh |
Qua đó hàng hóa trong thị trường Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh, chống hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trên thị trường, đặc biệt là sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo điều kiện tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong tờ trình, có đề xuất bỏ quy định miễn thuế GTGT với hàng hóa nhỏ lẻ.
“Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đang chú ý đến việc này và họ cũng có đề xuất như vậy. Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng trình Chính phủ đã đưa quy định đó vào để làm sao hoàn thiện chính sách với hoạt động thương mại điện tử,” bà Lan Anh thông tin.
Góp ý thêm về giải pháp, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, một trong những mấu chốt quan trọng là xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý với thương mại điện tử.
Ông Tuấn chỉ ra 3 cơ sở dữ liệu quan trọng trên môi trường thương mại điện tử. Trước hết là cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế liên quan đến cơ sở dữ liệu về hóa đơn, về thuế.
Tiếp đến, cơ sở dữ liệu các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử. Cuối cùng là cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, kết nối toàn bộ hệ thống tài khoản của cá nhân, tổ chức để đảm bảo dòng tiền thông suốt.
Đối với những cơ sở dữ liệu nêu trên, ông Trần Minh Tuấn kiến nghị, cần ứng dụng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, phân tích dữ liệu lớn…để sàng lọc thông tin, giám sát hoạt động thương mại điện tử trên môi trường trường trực tuyến và phát hiện hành vi sai phạm. Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Cùng với đó là công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo dữ liệu luôn đúng, đủ, sạch và sống, nhằm kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử.