Thủ tướng tham quan các gian hàng khởi nghiệp và nghe chia sẻ các ý tưởng của học sinh, sinh viên. Ảnh: VGP. |
Sáng 12/5, tại Trường Đại học Cần Thơ diễn ra lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI năm 2024. Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên diễn ra hằng năm từ năm 2018 đến nay đã trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, nghiên cứu khoa học giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của giới trẻ.
Đến nay, Ngày hội đã thu hút hơn 3.000 dự án khởi nghiệp và 4.000 ý tưởng khởi nghiệp với 20.000 học sinh, sinh viên tham gia. Tại cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" năm 2024 được phát động từ tháng 8/2023, có 707 bài dự thi, tăng 199 bài so với cuộc thi năm 2023. Sau vòng sơ loại đã có 465 dự án đạt yêu cầu được tham gia vòng bán kết. Có 80 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi.
Dự án của khối sinh viên các cơ sở đào tạo tại cuộc thi năm nay mang tính ứng dụng công nghệ mới như IoT (Internet of Things - Internet vạn vật), trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (Big Data). Nhiều dự án đã triển khai và bước đầu thành công, có dự án đã thu được lãi, chỉ số doanh thu, lợi nhuận và tăng trưởng khá ấn tượng.
"Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực và nguồn lực quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Muốn có khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thì phải có con người đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cần sự đam mê, quyết tâm, lòng kiên trì và sự dũng cảm vượt qua chông gai, thử thách để hướng tới thành công. Tinh thần khởi nghiệp, phong trào khởi nghiệp và kết quả khởi nghiệp của học sinh, sinh viên đã và đang đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới - thời đại Hồ Chí Minh".
Biểu dương những kết quả tích cực, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế. Đó là hệ sinh thái khởi nghiệp còn thiếu sự gắn kết, còn có khoảng cách so với các nước khác trong khu vực, thế giới.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên triển khai còn chậm. Hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đi vào chiều sâu. Hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chưa đầy đủ, đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp còn ít...
Để hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trở thành phong trào rộng khắp cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ "1 đẩy mạnh, 2 tăng cường, 3 kết nối, 4 tập trung, 5 khuyến khích".
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo cơ sở pháp lý, môi trường thuận lợi để thanh niên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
"Hai tăng cường" gồm tăng cường liên kết giữa các trường đại học, trường cao đẳng với trung tâm nghiên cứu có đầy đủ trang thiết bị hiện đại giúp học sinh, sinh viên có thể nghiên cứu, tạo nên những sản phẩm mẫu và tạo sự gắn kết giữa các nhóm ngành nghề thông qua sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên.
"Ba kết nối" là kết nối các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với trung tâm khởi nghiệp địa phương để hình thành mạng lưới khởi nghiệp quốc gia. Kết nối địa phương với trường đại học trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết những vấn đề thực tiễn địa phương. Kết nối giáo dục khởi nghiệp từ phổ thông lên bậc học cao hơn thành những nội dung, chương trình xuyên suốt.
"Bốn tập trung" là tập trung nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên. Tập trung đề xuất, hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cùng với đó, tập trung đề xuất xây dựng sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, thanh niên với các doanh nghiệp. Tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng.
"Năm khuyến khích" gồm khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị sử dụng sản phẩm được hình thành từ dự án khởi nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ cơ sở giáo dục triển khai thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp.
Tiếp đó là khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải nghiệm, sáng tạo khởi nghiệp dùng chung. Khuyến khích học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia hoạt động khởi nghiệp và để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Bên cạnh đó là khuyến khích cán bộ giảng viên, đoàn viên thanh niên tích cực chủ động đổi mới sáng tạo, có cách nghĩ mới, cách làm mới; tham gia hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hỗ trợ cộng đồng.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đoàn Thanh niên triển khai sâu rộng chương trình "Thanh niên khởi nghiệp", đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo. Trọng tâm là phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam, tham gia kiến tạo môi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển đất nước trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông, Thủ tướng yêu cầu thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; mạng lưới chuyên gia tư vấn các khóa huấn luyện, đào tạo; kết nối với mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.