Thủ tướng khảo sát các dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu bằng trực thăng

Hóa dầu Miền Nam
21:00 - 26/11/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã đi máy bay trực thăng khảo sát các khu vực quy hoạch triển khai các dự án lớn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã đi máy bay trực thăng khảo sát các khu vực quy hoạch triển khai các dự án lớn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 26/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đi máy bay trực thăng khảo sát các khu vực quy hoạch dự án lớn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu như Bãi Sau, sân bay Gò Găng, khu đô thị Gò Găng-Long Sơn, cảng Cái Mép…

Cần quy hoạch bài bản, tránh xung đột trong phát triển

Xuất phát từ sân bay Vũng Tàu, máy bay trực thăng chở Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo một số bộ, ngành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiến hành khảo sát một số khu vực dự án. Sau đó tại trụ sở trung tâm điều hành sân bay, Thủ tướng đã nghe lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo về quy hoạch tỉnh, kế hoạch triển khai các dự án.

Thủ tướng cho biết, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tiềm năng rất lớn nhưng chưa khai thác hết và đang đối mặt mâu thuẫn lớn là vừa phát triển công nghiệp, vừa phát triển dịch vụ, đặt ra bài toán môi trường cần giải quyết. Thủ tướng lưu ý, phải tiến hành quy hoạch tổng thể không gian Bà Rịa-Vũng Tàu với 3 không gian chủ yếu về phát triển dịch vụ, vừa phát triển công nghiệp và đô thị.

Máy bay trực thăng chở Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đi khảo sát quy hoạch dự án xuất phát từ sân bay Vũng Tàu. Ảnh: VGP.

Máy bay trực thăng chở Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đi khảo sát quy hoạch dự án xuất phát từ sân bay Vũng Tàu. Ảnh: VGP.

Phát triển dịch vụ gồm dịch vụ du lịch và logistics. Phát triển công nghiệp gồm dầu khí và công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao. Quy hoạch phải bài bản, phân định rõ các khu vực dành cho dịch vụ, công nghiệp, khu dân cư; dành khu vực thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh. Thủ tướng lưu ý, tránh xung đột trong quá trình phát triển, gây ảnh hưởng tới môi trường; phải giữ bằng được rừng.

Thủ tướng khảo sát quy hoạch dự án từ máy bay trực thăng. Ảnh: VGP

Thủ tướng khảo sát quy hoạch dự án từ máy bay trực thăng. Ảnh: VGP

Khánh thành hạng mục quan trọng của tổ hợp hóa dầu hơn 5 tỷ USD

Cũng trong chiều 26/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành Cụm cảng - Bồn bể chuyên dụng và Nhà máy tiện ích trung tâm của Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (LSP) tại Bà Rịa-Vũng Tàu, có tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD. Dự án được khởi công xây dựng tháng 2/2018 nằm trong khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) do Tập đoàn SCG Thái Lan làm chủ đầu tư.

Ông Tharna Sanee, Tổng Giám đốc LSP cho biết, đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầy đủ đầu tiên tại Việt Nam bao gồm một nhà máy cracking nguyên liệu hỗn hợp có quy mô công suất tầm cỡ thế giới và các nhà máy sản xuất hạ nguồn cùng các hạng mục phụ trợ đều sử dụng các công nghệ tiên tiến và hiện đại trên thế giới hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ấn nút khánh thành hạng mục quan trọng của tổ hợp hóa dầu hơn 5 tỷ USD. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính ấn nút khánh thành hạng mục quan trọng của tổ hợp hóa dầu hơn 5 tỷ USD. Ảnh: VGP

Khi đưa vào hoạt động, dự án giúp thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên - nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa, tạo ra sức lan tỏa lớn để các ngành công nghiệp, từ hóa dầu đến ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì cũng như các ngành dịch vụ khác phát triển tại Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Đồng thời, tạo ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng hóa dầu, giúp Việt Nam có mặt trên bản đồ các nước xuất khẩu sản phẩm hóa dầu; tạo nền tảng quan trọng cho những dự án đầu tư trong tương lai về công nghiệp hạ nguồn và các ngành công nghiệp liên quan.

Trải qua 4 năm thi công xây dựng đến nay, tiến độ tổng thể của dự án đã đạt 97%, giải ngân được 4,4 tỷ USD. Trong đó, các hạng mục Cảng Hydrocarbon, Khu bồn bể chứa và Nhà máy tiện ích trung tâm được hoàn thành đưa vào sử dụng kết nối thành Cụm cảng - Bồn bể chuyên dụng và Nhà máy tiện ích trung tâm với tổng mức đầu tư lên tới 1,1 tỷ USD.

Đây là 3 hạng mục quan trọng của dự án, đóng vai trò hỗ trợ vận hành cho toàn bộ Tổ hợp sau này.

Cụm cảng – Bồn bể chuyên dụng được dùng làm nơi xuất nhập, lưu trữ nguyên liệu đầu vào, các nguyên liệu trung gian từ đó đưa đến các nhà máy trong Tổ hợp để sản xuất ra hạt nhựa với các chủng loại đặc tính khác nhau. Trong khi đó, Nhà máy tiện ích trung tâm là nơi sản xuất các phụ trợ thiết yếu (điện, nước, hơi) để phục vụ sản xuất cho các nhà máy chính bảo đảm vận hành xuyên suốt, an toàn.

Phải bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án

Phát biểu chúc mừng sự kiện này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn, đánh giá cao nhà đầu tư, địa phương, các bộ, ngành đã vượt qua khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 để khánh thành các hạng mục quan trọng hôm nay.

"Đây là cố gắng rất lớn. Có được kết quả này cũng là nhờ mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Thái Lan, quan hệ tốt đẹp giữa nhà đầu tư và các cơ quan của địa phương, Trung ương".

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Nhấn mạnh vai trò của dự án, Thủ tướng cho rằng, cùng với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (ở miền Bắc) và Dung Quất (ở miền Trung), hiện đáp ứng 70% nhu cầu xăng dầu cả nước, Tổ hợp Hóa dầu miền Nam khi đi vào vận hành sẽ góp phần giúp Việt Nam tự chủ về nguồn cung xăng dầu.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, công việc trước mắt còn nhiều. Nhà đầu tư, địa phương, các cơ quan Trung ương cần tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án với phương châm "đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, thực hiện thì phải có hiệu quả". Hiệu quả là phải bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ và "tất cả các bên cùng thắng".

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, nhà đầu tư và các cơ quan liên quan cần đưa ra tiến độ, lộ trình cụ thể để hoàn thành phần còn lại của dự án, "vướng mắc gì cũng có thể giải quyết, nhưng tiến độ, chất lượng dự án phải được bảo đảm".

Sẽ vận hành toàn bộ dự án vào giữa năm 2023

Báo cáo với Thủ tướng về tiến độ dự án, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc SCG, chủ đầu tư của Tổ hợp Hóa dầu miền Nam cho biết, sẽ vận hành thương mại tổng thể dự án vào giữa năm 2023.

Chủ tịch SCG bày tỏ cảm ơn, thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, địa phương để đạt được tiến độ như hôm nay. Ông Roongrote Rangsiyopash cam kết sẽ vận hành nhà máy thành công, an toàn, theo đúng quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương cũng như của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh SCG đã thực hiện đúng cam kết của mình tại cuộc gặp trước với Thủ tướng, đến nay đã hoàn thành 97% dự án. Ghi nhận ý kiến của nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị SCG bảo đảm tiến độ, sớm đưa toàn bộ dự án vào hoạt động.

Thủ tướng nêu rõ, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên phương châm hai bên cùng thắng, lợi ích hài hòa, khó khăn, rủi ro thì cùng chia sẻ. Không để vì các khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ nhà máy.

Tin liên quan

Đọc tiếp