Quang cảnh buổi lễ thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Ảnh: Công Hoan |
Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vừa tổ chức ký kết và trao biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện tại TP Đà Nẵng ngày 20/7, mở ra cơ hội hợp tác của 2 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế biển.
Theo đó, hai bên cùng hợp tác nhằm tối ưu hóa năng lực cảng biển, logistics quốc gia, tạo nên một hệ sinh thái cảng biển và logistics chung đồng bộ, hiện đại, nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý hàng hóa, từ đó giảm thiểu ùn tắc, tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội cho cảng biển Việt Nam.
Hai bên thống nhất hợp tác cung cấp giải pháp logistics toàn diện, tối ưu hóa chi phí khi cung cấp dịch vụ logistics Door - Door cho khách hàng.
Phát triển đội tàu biển quốc gia: Giao cho Công ty cổ phần Vận tải container VIMC (VIMC Lines) và Công ty cổ phần Vận tải biển Tân cảng (Tân Cảng Shipping - TCS) nghiên cứu hợp tác mở các tuyến dịch vụ container quốc tế, phát huy tiềm năng và lợi thế của quốc gia biển, nâng cao năng lực đội tàu quốc gia.
Phát triển nguồn nhân lực: Hợp tác nâng cao chất lượng nhân lực vận hành cảng biển, logistics thông qua hợp tác trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
VIMC và SNP nằm trong nhóm dẫn đầu trong danh sách các DNNN có hiệu quả hoạt động cao nhất giai đoạn 2020-2023, và là hai trong bảy doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nghiên cứu thí điểm trong Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường cho thị trường.
Vì vậy, với sự hợp tác này, cả hai doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra một bước đột phá mới trong lĩnh vực vận tải biển và logistics tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế đất nước.
Đại tá Nguyễn Năng Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch SNP phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Công Hoan |
Tân cảng Sài Gòn (SNP) là doanh nghiệp quốc phòng an ninh, trực thuộc Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng; là Công ty TNHH Một thành viên, Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ. Tân cảng Sài Gòn hoạt động sản xuất kinh doanh trên 3 trụ cột chính là khai thác cảng biển, dịch vụ logistics, vận tải và các ngành kinh tế biển, trong đó khai thác cảng là ngành chủ đạo.
Hiện SNP đã và đang phát triển hệ sinh thái đa dạng kết nối với trung tâm logistics, hệ thống cảng cạn (ICD), kết nối với các cảng cửa ngõ, cảng nước sâu và có mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hãng tàu, cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội. SNP tập trung vào phát triển bền vững, theo hướng kinh tế số, kinh tế xanh, sử dụng năng lượng sạch…
Hệ sinh thái của, SNP gồm 20 công ty con và 9 công ty liên kết trên khắp cả nước, trong đó 7 doanh nghiệp họ “Tân Cảng” đang có mặt trên sàn chứng khoán, hầu hết đều hoạt động chính trong lĩnh vực logistics. Đó là CTCP Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (mã chứng khoán: TCL), CTCP Kho vận Tân Cảng (TCW), CTCP ICD Tân Cảng Sóng Thần (IST), CTCP ICD Tân Cảng Long Bình (ILB) và 3 công ty liên kết là CTCP Cảng Cát Lái (CLL), CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng (TOS) và CTCP Tân Cảng – Phú Hữu (PNP).
SNP hiện đang quản lý, điều hành 8 cảng container, trong đó có 3 cảng container hiện đại, lớn nhất Việt Nam, xếp thứ 17 trong nhóm 20 cụm cảng container có sản lượng thông quan lớn nhất thế giới. Theo thông tin công bố, năm 2023, thị phần container xuất nhập khẩu thông qua các cảng thuộc hệ thống SNP đạt 9,75 triệu TEU, tương đương gần 140 triệu tấn hàng hóa, tăng trưởng 1%, chiếm khoảng 90% khu vực phía Nam và khoảng 56,8% thị phần cả nước.
Riêng cụm Cảng Tân Cảng - Cái Mép ghi nhận sự tăng trưởng 10% với sản lượng thông qua đạt hơn 2,7 triệu TEU, chiếm 53,2% thị phần sản lượng thông qua cụm Cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc VIMC phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Công Hoan |
Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam với ngành nghề chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Năm 2020, VIMC chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Hệ sinh thái của VIMC hiện có 34 doanh nghiệp thành viên, trong đó có 16 doanh nghiệp cảng biển (cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn...), quản lý khai thác hơn 13.000 m cầu bến (chiếm khoảng 30% tổng số m cầu bến quốc gia).
VIMC là đơn vị sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước, chiếm tới 25% tổng dung tích đội tàu trong cả nước, trong đó có những loại tàu hàng rời cỡ lớn đến 73.000 DWT, hàng năm chuyên chở 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam.
Tính đến hết tháng 5/2024, sản lượng vận tải biển đạt 7,8 triệu tấn, thưc hiện được 49% kế hoạch năm và bằng 97% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt 57,2 triệu tấn, bằng 46% kế hoạch năm và bằng 124% so với cùng kỳ. Năm 2024, VIMC ước tính sản lượng vận tải biển giảm 24% xuống 15,9 triệu tấn, song sản lượng hàng thông qua cảng dự kiến tăng 8% lên 123,6 triệu tấn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, VIMC cũng thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước tại VIMC xuống 65% vốn điều lệ. Theo đó, công ty dự kiến tập trung đầu tư vào hệ thống cảng biển nước sâu, phát triển đội tàu container và các cơ sở hạ tầng logistics với tổng mức đầu tư khoảng 43.196 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giải ngân giai đoạn 2021- 2025 dự kiến khoảng 31.796 tỷ đồng, vốn tự có khoảng 12.246 tỷ đồng.