Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình sản xuất và cung ứng điện tại Công ty Nhiệt điện Mông Dương. Ảnh: VGP |
Sau khi kiểm tra thực tế, tối cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với các bộ, ngành, tập đoàn về tình hình sản xuất, cung ứng điện và công tác khai thác, cung cấp than cho sản xuất điện.
Cần nâng cấp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất điện
Công ty Nhiệt điện Mông Dương, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đang quản lý vận hành Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương công suất 1.080MW, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 6 tỷ kWh/năm.
Tính đến hết ngày 10/6, sản lượng điện sản xuất của nhà máy là 3.674 triệu kWh, đạt 52,34% so với kế hoạch giao năm 2023 và đạt 87,62% sản lượng điện giao mùa khô năm 2023. Sản lượng điện thương phẩm là 3.342 triệu kWh.
Công ty đang chuẩn bị các điều kiện về nhiên liệu và thực hiện các giải pháp đảm bảo vận hành sản xuất điện mùa khô 2023.
Kiểm tra các khâu điều hành sản xuất tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu công ty rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và vận hành máy móc, thiết bị, nhà máy; không đột ngột mà phải nhịp nhàng tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu công ty nói riêng và các nhà máy khác nói chung làm tốt công tác dự báo, nhất là vào tháng 5, tháng 6 hằng năm khi nắng nóng cao điểm, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để duy trì sản xuất, bảo đảm cho nhà máy vận hành đúng công suất, bảo đảm an toàn cho sản xuất, lao động.
Đặc biệt, nhà máy phải tiếp tục nâng cấp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất điện, đồng thời áp dụng có hiệu quả hệ thống tiêu chuẩn để quản lý, vận hành và giải pháp đảm bảo an ninh thông tin theo tiêu chuẩn ngày càng cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu công ty rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và vận hành máy móc, thiết bị, nhà máy; không đột ngột mà phải nhịp nhàng tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc. Ảnh: VGP |
Thủ tướng mong các nhà máy điện khai thác tối đa công suất thiết kế nhà máy
CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh quản lý, vận hành Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh có tổng công suất 1.200MW (4 tổ máy) đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua trạm biến áp 500kV Quảng Ninh với cấp điện áp 500kV và 220kV, sản lượng bình quân thiết kế là 7,2 tỷ kWh/năm.
Thăm nhà máy, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ hiện nay đã bước vào mùa nắng nóng, hạn hán và là cao điểm sử dụng điện. Do đó, các nhà máy điện phải cố gắng bảo đảm an toàn, vận hành tốt, khai thác tối đa công suất thiết kế nhà máy.
Thủ tướng cho biết vừa qua xảy ra một số sự cố trong vận hành các nhà máy điện, cần rút kinh nghiệm, nhất là việc giữ công suất ổn định, không quá tải; kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên; có giải pháp thay thế phù hợp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh quan tâm quy hoạch đất, sử dụng hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở công nhân.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát huy các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có việc sản xuất an toàn, cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Đảm bảo cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện
CTCP Than Hà Tu là thành viên hạch toán độc lập của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Công ty thực hiện dây chuyền công nghệ khai thác lộ thiên tại khu Bắc Vàng Danh với sản lượng 2,5 triệu tấn than/năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công ty Than Hà Tu tiếp tục tổ chức sản xuất 3 ca 4 kíp đáp ứng than cho sản xuất, xuất khẩu, nhất là cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện.
Thủ tướng lưu ý việc phát triển kinh tế tuần hoàn, tận dụng tối đa các sản phẩm từ quá trình khai thác mỏ vào các mục đích sử dụng khác nhau. Ảnh: TTXVN |
Công ty phải nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phát triển lâu dài, bền vững; sẵn sàng thích ứng trong mọi tình huống. Đồng thời, phải đổi mới công nghệ khai thác hiện đại, tiên tiến, làm tốt công tác hoàn nguyên, bảo vệ môi trường; phấn đấu xây dựng mỏ than Hà Tu trở thành mỏ xanh, sạch, đẹp và thân thiện với môi trường để phát triển bền vững.
Thủ tướng lưu ý việc phát triển kinh tế tuần hoàn, tận dụng tối đa các sản phẩm từ quá trình khai thác mỏ vào các mục đích sử dụng khác nhau, như đất, đá được bóc gỡ từ các mỏ than có thể phục vụ san lấp mặt bằng cho các công trình hạ tầng giao thông.
Ngay tại hiện trường, Thủ tướng đã cho chủ trương xử lý những vướng mắc mà tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua liên quan đến việc hoàn nguyên, cấp phép khai thác chất thải mỏ mà chưa được xử lý.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với tỉnh giải quyết ngay trong tháng 6 này, bảo đảm hiệu quả, sát với tình hình thực tế.
Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới sản xuất, cung ứng điện
Sau khi kiểm tra tại 3 cơ sở sản xuất điện và nguyên liệu sản xuất điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã có buổi làm việc với các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản về tình hình sản xuất, cung ứng điện và công tác khai thác, cung cấp than cho sản xuất điện.
Quảng Ninh không chỉ là trung tâm du lịch lớn mà còn là trung tâm khai thác than, trung tâm nhiệt điện với 7 nhà máy nhiệt điện có tổng công suất 5.640 MW.
Điện sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tháng 5/2023 ước đạt 3,6 tỷ KWh, tăng 23,12% so với cùng kỳ; 5 tháng năm 2023 đạt 16,7 tỷ KWh điện, bằng 15% so với tổng sản lượng điện sản xuất của cả nước và bằng 35% sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện than trên toàn quốc.
Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tổng công ty Đông Bắc nỗ lực phấn đấu sản xuất, kinh doanh tăng trưởng từ 15 - 20%. Ảnh: VGP |
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Tập đoàn Điện lực thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện, nếu không bảo đảm thì phải báo cáo kịp thời, có khó khăn phải có giải pháp khắc phục.
Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tổng công ty Đông Bắc nỗ lực phấn đấu sản xuất, kinh doanh tăng trưởng từ 15 - 20% và tập trung khai thác, cung ứng than cho các nhà máy điện theo yêu cầu
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước xem xét điều hành sử dụng hiệu quả nguồn vốn tại các tập đoàn, tổng công ty.
Bộ Công Thương triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới sản xuất, cung ứng điện.
Từ thực tiễn kiểm tra tại Công ty than Hà Tu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước, không giải quyết các vụ việc cụ thể, trực tiếp; khẩn trương nghiên cứu, ban hành quy định phân loại các loại vật liệu xây dựng thông thường như đất đá làm vật liệu san lấp, đắp nền đường... với các loại khoáng sản, có cách thức quản lý, thủ tục, quy trình cấp phép phù hợp.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ khẩn trương hướng dẫn về đất đá san lấp cho các dự án hạ tầng theo hướng thống nhất trên cả nước, cũng như hướng dẫn thống nhất về giá đất, tránh tình trạng hướng dẫn riêng lẻ từng trường hợp, từng địa phương.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo giải quyết 7 kiến nghị khác của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và một kiến nghị của Tổng công ty Đông Bắc.