Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thời gian tới. Ảnh: VGP |
Ngày 11/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2024.
Phiên họp tập trung thảo luận dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023, để chuẩn bị trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong đó, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) cần quyết nghị để sớm trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.
Phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023 cần sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định để phân bổ, sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận phiên họp, về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Thủ tướng lưu ý yêu cầu bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát thực tiễn, giải quyết được các bài toán đặt ra từ thực tiễn. Công cụ thuế cần bảo vệ sản xuất trong nước, khuyến khích các lĩnh vực ưu tiên, nhưng hợp tình, hợp lý, phù hợp tình hình, linh hoạt. Tính toán hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, buôn lậu.
Thủ tướng cho rằng, cần khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, khuyến khích đầu tư những lĩnh vực mới nổi, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Khuyến khích xuất khẩu với những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, như năng lượng, lương thực, thực phẩm...
Về phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023, Thủ tướng lưu ý cần thực hiện đúng Luật Ngân sách, có thứ tự ưu tiên, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa, hợp lý, cân đối giữa các vùng miền, lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, trong đó có ưu tiên thực hiện đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
Thủ tướng yêu cầu sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023 có trọng tâm, trọng điểm - Ảnh: VGP |
Về nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng thể chế thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thời gian tới.
Thứ nhất, tích cực chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Số lượng các dự án luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này rất lớn (khoảng 18 dự án luật), nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề.
Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật; chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng dự án luật, không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc trình, thẩm tra, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo quy định.
Thứ hai, khẩn trương soạn thảo, trình, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.
Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 (5 nghị định và 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai sửa đổi, Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, trước ngày 15/5/2024.
Thứ ba, tiếp tục đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, phát huy vai trò của người đứng đầu, các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Tập trung nguồn lực, bố trí các cán bộ có trình độ, năng lực và tâm huyết cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc thuận lợi và có chế độ, chính sách phù hợp với đội ngũ cán bộ làm công tác này.
Rút ngắn hơn nữa quy trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm.
Tăng cường năng lực phản ứng chính sách, kịp thời sửa đổi để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường giám sát, kiểm tra, cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.