Thủ tướng yêu cầu dồn trọng tâm vào đảm bảo việc làm cho người lao động

LAO ĐỘNG CHÍNH SÁCH
16:15 - 01/02/2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Đưa ra nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2023 một cách hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần đặt trọng tâm hợp tác vào vấn đề đảm bảo việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động.

Chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề ra nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác năm 2023, ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định công tác phối hợp giữa hai bên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân.

Thủ tướng nêu rõ, để triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Bộ Chính trị, ngay trong tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 và Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 03, làm việc với một số Bộ/ngành để tổ chức thực hiện, nhất là tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực).

Cùng với đó là mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, cung ứng và sắp tới sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan về công tác cải cách hành chính, làm việc với các liên đoàn, hiệp hội doanh nghiệp về vấn đề đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Thủ tướng đánh giá, năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế trên đà phục hồi, các cân đối lớn được bảo đảm. Với những kết quả đạt được, Thủ tướng mong muốn đánh giá một cách khách quan, trung thực kết quả thực hiện công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong năm 2022, đưa ra nhiệm vụ giải pháp 2023 một cách thiết thực, hiệu quả.

"Công tác phối hợp cần chọn một số việc làm cụ thể, trọng tâm, thiết thực để hoàn thành dứt điểm, mang lại hiệu quả. Đặc biệt cần tập trung vào vấn đề đảm bảo việc làm, nâng cao tay nghề của người lao động”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Bên cạnh đó, đối với công nhân lao động, Thủ tướng cho rằng, có an cư mới lạc nghiệp, vì vậy, cần phải ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở của công nhân lao động, ưu tiên giải quyết bằng các công cụ pháp luật đã có, nếu chưa có thì cần đề xuất. Bên cạnh đời sống vật chất, cần quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động.

Bên cạnh 7 nhiệm vụ Thủ tướng giao cho các Bộ/ngành đang được thực hiện, Thủ tướng chỉ ra 3 nhiệm vụ chưa được triển khai trên thực tế, cần tiếp tục khẩn trương tiến hành, gồm: Chính sách tín dụng cho người lao động nghèo vay vốn thông qua cơ chế cấp bù lãi suất; thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật tạo hành lang pháp lý bảo vệ người lao động; công bố "mức sống tối thiểu của người lao động".

Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng công tác phối hợp trong thời gian tới giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đáp ứng được sự mong mỏi của các cấp công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động. Góp phần thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả nhất.

Ổn định tình hình quan hệ lao động

Trình bày báo cáo kết quả thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đơn vị này và các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã phối hợp tuyên truyền, thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Đặc biệt là Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; tập trung nắm chắc và theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh trong công nhân, viên chức, lao động.

Năm 2022, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành 11 văn bản chỉ đạo toàn hệ thống Công đoàn tiếp tục quán triệt tinh thần không được lơ là, chủ quan trước mọi tình huống dịch bệnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Những tháng cuối năm 2022, có tình trạng một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giầy bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động. Tổng Liên đoàn đã khảo sát, họp với công đoàn các địa phương bàn giải pháp cụ thể, vừa bảo đảm quyền lợi người lao động, vừa ổn định tình hình quan hệ lao động.

Ngày 16/12/2022, các Bộ/ngành liên quan và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp tham mưu nội dung để Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.

Để chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngay từ tháng 10/2022, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động: Tặng gần 18.000 suất quà với số tiền gần 23,7 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 8,4 triệu lượt đoàn viên, người lao động với tổng nguồn kinh phí trên 5.185 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.