Thương vụ Việt Nam tại Malaysia dẫn số liệu của Cục phát triển Ngoại thương Malaysia (Matrade) cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, Malaysia xuất khẩu hàng hóa tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước (YoY), lên 605,25 tỷ RM - Ringgit Malaysia (khoảng 130 tỷ USD) và nhập khẩu tăng 13,7% YoY, lên 553,24 tỷ RM (khoảng 120 tỷ USD). Thặng dư thương mại 52,01 tỷ RM (khoảng 11 tỷ USD).
Các thị trường xuất khẩu chính của Malaysia trong 5 tháng đầu năm 2024 là Singapore và Trung Quốc đều suy giảm nhẹ tăng trưởng, tương ứng +0,6% YoY và +1,3% YoY.
Dù vậy, xuất khẩu hàng hóa của nước này sang các thị trường là Việt Nam, Đài Bắc (Trung Quốc), Ấn Độ lại tăng mạnh, lần lượt +36,3% YoY, +43,2% YoY và +18,7% YoY.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Malaysia sang Mỹ tăng 11,6% YoY, đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của quốc gia Đông Nam Á này, góp phần đưa xuất khẩu của Malaysia tăng.
Thị trường Đài Bắc (Trung Hoa) đã vượt qua Thái Lan và Indonesia để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Malaysia. Ấn Độ cũng lọt vào danh sách 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này.
Hai nhóm sản phẩm xuất khẩu chính của Malaysia là điện và điện tử (E&E), sản phẩm dầu khí đều giảm, lần lượt giảm 1,9% và 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các mặt hàng còn lại hầu hết đều tăng như sản phẩm từ sắt thép +38,3% YoY; máy móc, thiết bị và phụ tùng +21,8% YoY...
Mặt hàng khí hóa lỏng xuất khẩu của Malaysia chỉ tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ và đã tụt xuống vị trí thứ 6 trong số các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Các mặt hàng xăng dầu của Malaysia không ghi nhận tăng mạnh.
Về nhập khẩu, giá trị nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường của Malaysia đều tăng, ngoại trừ Trung Quốc, Indonesia và Arab Saudi giảm nhẹ (lần lượt -1,3%, -3,5% và -7% YoY). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ vào Malaysia có mức tăng mạnh nhất, lên tới 30% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng nhập khẩu của nước này hầu hết đều tăng, ngoại trừ hóa chất và sản phẩm hóa chất, phương tiện vận tải. Mặt hàng dầu thô có mức tăng mạnh nhất với +22,8% YoY. Mặt hàng đồ điện và điện tử chiếm tỷ trọng lớn với 30,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Malaysia.
World Bank ước tính GDP của Malaysia sẽ tăng 4,3% trong năm 2024. Ảnh minh họa |
Về tình hình kinh tế Malasyia thời gian qua, theo Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, nền kinh tế nước này tăng trưởng với tốc độ cao hơn 4,2% trong quý 1/2024 (quý 4/2023 là 2,9%) nhờ chi tiêu tư nhân mạnh và xuất khẩu chuyển biến tích cực. Chi tiêu hộ gia đình cao trong bối cảnh việc làm và tiền lương tiếp tục tăng trưởng. Hoạt động đầu tư cũng lạc quan nhờ được hỗ trợ bởi chi tiêu vốn cao hơn của cả khu vực tư nhân và công cộng. Xuất khẩu phục hồi trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài tăng.
Về phía cung, hầu hết các ngành đều có mức tăng trưởng tốt. Lĩnh vực sản xuất được nâng đỡ nhờ sự phục hồi của cả ngành điện, điện tử (E&E) và phi E&E. Sự tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực dịch vụ được thúc đẩy bởi hoạt động thương mại bán lẻ và tiếp tục được hỗ trợ từ tiểu ngành vận tải và kho bãi.
Liên quan đến lạm phát, từ đầu năm đến ngày 15/5/2024, đồng RM đã mất giá 2,4% so với đồng USD, cùng diễn biến với các đồng tiền khác trong khu vực. Đồng Ringgit cũng tăng giá trên cơ sở tỷ giá hối đoái hiệu quả danh nghĩa (NEER) thêm 0,5%. Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) đang triển khai các công cụ để đảm bảo thị trường tài chính trong nước duy trì trật tự và tiếp tục hoạt động hiệu quả.
Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu tháng 6/2024, dự kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng 2,6% vào năm 2024 (dự báo vào tháng 1/2024 là 2,4%) trong bối cảnh kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến. WB cũng ước tính GDP của Malaysia sẽ tăng 4,3% trong năm 2024.