Một vùng nuôi tôm của Thủy sản Minh Phú. Ảnh: MPC |
Theo Tổng Giám đốc Lê Văn Quang, Minh Phú đã cán mốc doanh thu hợp nhất kỷ lục với hơn 16.000 tỷ đồng vào năm 2022. Đây cũng là năm đầu tiên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt trên 800 tỷ đồng.
“Thành quả trên sẽ càng là động lực vững chắc để Minh Phú tiếp tục phát triển và nâng cao vị thế của mình trên trường xuất khẩu tôm thế giới”, ông Lê Văn Quang nhận định.
Bước sang năm 2023, doanh nghiệp dự kiến đặt mục tiêu sản xuất 60.000 tấn thủy sản với doanh thu hợp nhất đạt 17.985 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm 2022.
Lợi nhuận trước thuế đạt 1.250,9 tỷ đồng, tăng 32% so với thực hiện của năm 2022, trong đó công ty con Minh Phú Hậu Giang đạt 500 tỷ đồng, Minh Phú Lộc An đạt 117,9 tỷ đồng, Minh Phú Kiên Giang đạt 26,2 tỷ đồng…
Lợi nhuận sau thuế đạt 1.145 tỷ đồng, tăng 37%. Như vậy, nếu thực hiện thành công, đây sẽ mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay mà MPC đạt được.
Minh Phú cho biết, trong năm 2023 doanh nghiệp sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 với tầm nhìn phát triển chuỗi giá trị tôm hướng đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên nền tảng số, duy trì vị thế là công ty xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam và trong top của thế giới.
Đồng thời, giữ vững thị trường xuất khẩu hiện có, không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu mới, chú trọng xây dựng thương hiệu Minh Phú.
Để đạt được mục tiêu trên, Minh Phú xác định phải đạt được mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín từ khâu lai tạo con giống cho đến khâu xuất khẩu, phân phối tại các thị trường.
Doanh nghiệp sẽ triển khai các dự án lớn nhằm xây dựng các vùng nuôi tập trung như tôm rừng, tôm quảng canh, tôm siêu thâm canh công nghệ cao và tôm lúa theo phương thức liên kết hợp tác với đầy đủ cơ sở hạ tầng cấp, thoát nước, dịch vụ kỹ thuật.
Trong đó có khu phức hợp chế biến tôm cùng công nghiệp phụ trợ nằm ở gần vùng nguyên liệu để nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu và giảm chi phí muối ướp, vận chuyển cũng như giảm hao hụt sau thu hoạch.
Mô hình sản xuất đặc thù và chuyên môn hoá cao, bao gồm tất cả các thành phần của chuỗi như nghiên cứu - phát triển con giống, nuôi trồng, chế biến, xử lý phụ phẩm và thương mại.
MPC cũng cho biết đã và đang phối hợp với Vụ Khoa Học và Công Nghệ của Bộ NN&PTNT, cùng các Viện nghiên cứu thủy sản để tập trung phát triển tôm sú giống kháng bệnh và thích nghi, năng suất cao, giúp tăng thị phần tôm sú từ 20% hiện nay lên đến 50% và cao hơn nữa.
Trong chiến lược phát triển dài hơi, Minh Phú đặt chiến lược trọng tâm là phấn đấu đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam sẽ bằng với giá của Ấn Độ và phấn đấu đến năm 2035 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng Ecuador.
Để đạt được mục tiêu trên, Minh Phú sẽ tiến hành nghiên cứu, sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường Việt Nam, đưa tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80%.
Đồng thời, doanh nghiệp sẽ xây dựng và hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao…, phù hợp với từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ từ năm 2030 và bằng Ecuador từ năm 2035.
Thủy sản Minh Phú có tiền thân là doanh nghiệp tư nhân cung ứng xuất khẩu Minh Phú. Hoạt động kinh doanh chính của MPC là chế biến và kinh doanh hàng thủy sản, kinh doanh giống thủy sản và thức ăn thủy sản, kinh doanh máy móc và thiết bị phục vụ cho ngành thủy sản.
Năm 2006, doanh nghiệp chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Cùng năm, doanh nghiệp chính thức được niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).