Tiền vào ‘kéo trụ’ giúp VN-Index tăng điểm, MWG nằm sàn từ đầu phiên

MWG VN INDEX
16:00 - 24/11/2022
MWG giảm sàn từ đầu phiên.
MWG giảm sàn từ đầu phiên.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index giao dịch dưới ngưỡng tham chiếu trong phần lớn phiên giao dịch, sau đó bật lên vào cuối phiên nhờ dòng tiền vào các cổ phiếu lớn. Nhóm thép khởi sắc nhất với HSG tăng trần, HPG tăng 4%, trong khi nhóm bán lẻ tiêu cực do MWG nằm sàn từ đầu phiên.

Chỉ số sàn HoSE đóng cửa ở mốc 947,71 điểm, tăng gần 2 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX tăng 0,22 điểm còn UPCoM giảm 0,14 điểm. Thanh khoản vẫn heo hút với tổng giá trị khớp lệnh gần 8.500 tỷ đồng.

Khối ngoại tiếp tục tích cực với việc mua ròng gần 300 tỷ đồng trong tổng số hơn 2.900 tỷ đồng giao dịch trên sàn HoSE. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng mạnh nhất với gần 82 tỷ đồng, thứ hai là VNM gần 72 tỷ đồng. BID, GMD, NLG cùng được mua ròng hơn 20 tỷ đồng. Chiều bán ròng, chứng chỉ quỹ FUESSV50 dẫn đầu nhưng giá trị chỉ gần 26 tỷ đồng. Các mã GAS, KDH, KBC bị bán ròng 10-20 tỷ đồng.

Trên thị trường, số mã giảm nhiều hơn số mã tăng. VN-Index vẫn kết phiên trong sắc xanh là nhờ dòng tiền tìm đến các mã vốn hóa lớn. VN30 tăng hơn 2 điểm, trong đó HPG có đóng góp lớn nhất khi tăng 4%, lên mức giá 14.350 đồng/cp. STB, VRE, VNM, VIC, PLX, GVR cũng tăng 2-4%.

Ngược lại, “bộ đôi cùng lùi” NVL và PDR vẫn tiếp tục nằm sàn. Như vậy, sau những thông tin tích cực mà 2 doanh nghiệp chủ động cung cấp về tình hình tài chính, cơ cấu nợ, cổ phiếu vẫn không giữ được chân nhà đầu tư. NVL đã lùi về mức giá 21.950 đồng, còn PDR về 13.850 đồng.

Ngày 24/11, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) tiếp tục thông báo về việc sẽ bán giải chấp cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Số lượng cổ phiếu PDR dự kiến bán là gần 5,7 triệu đơn vị. Thời gian thực hiện từ ngày 23/11/2022 đến khi đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định của TVSI.

Một cổ phiếu khác trong rổ VN30 bất ngờ nằm sàn ngay từ đầu phiên, đó là MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động; về mức 37.700 đồng/cp. Hơn 2 tháng trở lại đây, cổ phiếu này đã liên tục điều chỉnh theo đà giảm của thị trường từ mức 73.900 đồng (phiên 15/9), mất tới 49% giá trị.

Trong báo cáo phát hành ngày 11/11, SSI Research dự báo chi phí tài chính của Thế giới Di động sẽ tiếp tục tăng trong quý 4/2022 do xu hướng lãi suất cao hơn, cơ cấu lại nợ sang kỳ hạn dài hơn và tiền đồng mất giá. Lợi nhuận năm 2022 được dự báo là 5.160 tỷ đồng và sang năm 2023 đạt khoảng 5.860 tỷ. Điều này đồng nghĩa với việc MWG khả năng khó hoàn thành kế hoạch năm nay.

SSI nhấn mạnh sau giai đoạn tăng nóng kéo dài tới năm 2019, MWG đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại trong đó nguyên nhân chủ yếu do chuỗi Thế giới Di động có dấu hiệu bão hòa, chuỗi Bách Hóa Xanh mặc dù được đầu tư và kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới nhưng liên tục gặp khó và có dấu hiệu đóng cửa hàng loạt cửa hàng trong 9 tháng đầu năm 2022.

Trở lại với diễn biến thị trường chứng khoán hôm nay, nhóm dẫn đầu chiều tăng là vật liệu xây dựng với sự hồi phục của các cổ phiếu thép. Cùng với sự tích cực của “anh cả” HPG, HSG, VCA cũng tăng hết biên độ, NKG tăng 6,8%, POM, TLH, TVN tăng 2-3%.

Nhóm thép đã giảm sâu nên việc phục hồi thời gian qua không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên nhìn về phía trước, cổ phiếu ngành này chưa có nhiều động lực để thực sự bứt phá.

Chiều tăng còn có nhóm nông nghiệp nhờ HAG tăng trần; nhóm chứng khoán, hóa chất, vận tải kho bãi, bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm. Tuy nhiên biên độ dao động không đáng kể.

Chiều giảm dẫn đầu là nhóm bán lẻ do sự tiêu cực của MWG. Các nhóm dầu khí, xây dựng, thủy sản cũng kết phiên trong sắc đỏ.

Tin liên quan

Đọc tiếp