Bên cạnh động thái cắt giảm nhân sự, Dell cũng đang cân nhắc tổ chức lại các bộ phận khác nhau nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động.
Công ty trước đây cũng tiến hành các biện pháp như dừng tuyển dụng, hạn chế công tác phí và giảm chi tiêu cho các dịch vụ bên ngoài. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Jeff Clarke của Dell nhấn mạnh, những bước đi đó không đủ để bảo vệ Dell.
Theo Bloomberg, ông Jeff Clarke cho biết: "Những gì chúng tôi nhận thấy là điều kiện thị trường tiếp tục bị xói mòn với một tương lai không chắc chắn".
Hiện tại Dell đang phải trải qua một môi trường kinh doanh khá khó khăn và tương lai đầy bất ổn. Trong khoảng thời gian đầu đại dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu máy tính cá nhân (PC) của người tiêu dùng toàn cầu đã tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau giai đoạn bùng nổ này, Dell và các nhà sản xuất phần cứng khác nhận thấy nhu cầu đang ngày càng hạ nhiệt.
Số liệu của IDC cho thấy, số lượng máy tính cá nhân bán ra trong quý 4/2022 đã sụt giảm mạnh, trong đó Dell có mức giảm lớn nhất, với 37% so với cùng kỳ năm 2021 trước đó. Khoảng 55% doanh thu của Dell đến từ mảng PC.
Các đối thủ của Dell không nằm ngoài làn sóng sa thải nhân sự. Theo Layoffs.fyi, năm 2022, hơn 1.000 công ty đã sa thải 154.366 nhân viên. Trong đó, 97.171 nhân sự trong lĩnh vực công nghệ bị cho thôi việc, tăng 649% so với năm 2021 trước đó. Con số này tiếp tục tăng lên vào năm 2023 khi có 219 công ty thực hiện cắt giảm hơn 68.000 việc làm, kể từ đầu năm đến nay. Như vậy, trung bình mỗi ngày có hơn 3.400 nhân viên trong ngành công nghệ bị sa thải trên toàn cầu.
Xu hướng sa thải tăng tốc trong bối cảnh suy thoái đang rình rập kinh tế toàn cầu. Theo CNN, giới chuyên gia cho rằng, các công ty đang phạm phải sai lầm lớn khi sa thải hàng loạt trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Những đợt sa thải bất ngờ không chỉ làm tổn hại danh tiếng của các công ty trên thị trường lao động, mà còn khiến tinh thần của những nhân viên ở lại sa sút. Điều này cũng tác động tiêu cực đến sự hồi phục của thị trường.