Chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Anh Thư |
Mỗi người dân đều cần có ý thức tiết kiệm điện
Tại Diễn đàn Tiết kiệm năng lượng: Giải pháp Hiện thực hóa cam kết Net zero, ngày 12/10, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh rằng không có biện pháp nào tốt hơn là mỗi người dân đều có ý thức tự tiết kiệm điện.
Cụ thể, ông Lâm cho biết, hiện nay nhu cầu sử dụng điện tăng trưởng rất nhanh, lên tới 9 - 10% mỗi năm. Riêng năm 2021 - 2022, mức tăng trưởng này có chững lại do đại dịch Covid-19. Dù vậy, tình hình sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2022 đã hồi phục, đẩy mức tăng trưởng tiêu thụ điện năm 2022 lên 7,7%.
Tuy nhiên theo ông Lâm, mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện chỉ giảm về mặt tương đối, nghĩa là đạt mức độ tăng trưởng dưới 9%, nhưng về giá trị tuyệt đối, đây vẫn là một con số rất lớn.
Hiện nay Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng đã có nhiều giải pháp để nâng cao khả năng cung ứng điện cho thị trường và sản xuất như việc phê chuẩn Quy hoạch điện VIII, có những chính sách tạo thuận lợi cho việc phát triển năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống cung ứng điện, dành nguồn nguyên liệu cho các nhà máy điện than…
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh rằng không có biện pháp nào tốt hơn là mỗi người dân đều có ý thức tự tiết kiệm điện. Ảnh: Anh Thư |
Dù vậy, ông Lâm đánh giá việc tăng nguồn cung ứng điện khó có thể nhanh bằng tốc độ gia tăng nhu cầu sử dụng điện, do đó, chỉ có cách sử dụng tiết kiệm điện kết hợp với tăng nguồn cung mới có thể đi đến bước cân bằng cung cầu.
Theo đó, Phó Tổng giám đốc EVN lấy ví dụ giả sử hiện nay tổng nhu cầu tiêu thụ điện của cả nước mỗi năm là khoảng 27 tỷ kWh. Vậy nếu tiết kiệm được khoảng 10% lượng điện năng tiêu thụ như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, thì lượng điện tiết kiệm được sẽ là khoảng 2,7 tỷ kWh, tương đương công suất của một nhà máy điện lớn.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, thời gian qua địa phương cũng đã có một số chính sách, hoạt động để vận động người dân, doanh nghiệp tiết kiệm điện.
Trong đó, tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều văn bản về tiết kiệm điện, phổ biến, tuyên truyền đến đông đảo người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hành tại các doanh nghiệp, đặc biệt đối với những đối tượng tiêu thụ điện trọng điểm.
Tuy nhiên, ông Hoàn nhận thấy, quá trình thực thi vẫn còn nhiều điểm yếu, như tốc độ tuyên truyền quá chậm, thông tin, nội dung tuyên truyền khó đi vào sâu rộng trong người dân, doanh nghiệp. Do đó, cần có sự đổi mới về cách tuyên truyền, làm sao để thông tin đến được gần với người dân, doanh nghiệp hơn, giúp nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm năng lượng.
Ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho rằng, cần có sự đổi mới về cách tuyên truyền, làm sao để thông tin đến được gần với người dân, doanh nghiệp hơn. Ảnh: Anh Thư |
Tiết kiệm năng lượng, xa hơn là tiết kiệm nguồn lực quốc gia
Cho rằng tiết kiệm năng lượng là rất cần thiết, nhưng Chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tạp chí năng lượng Việt Nam, nhấn mạnh không phải tiết kiệm nghĩa là “nhịn”, không dùng, mà phải sử dụng năng lượng thông minh và hiệu quả. Làm sao để cùng một khối lượng công việc, doanh nghiệp người dân có thể tiêu hao ít điện năng hơn.
Ngoài ra, tiết kiệm năng lượng không chỉ nói về điện mà còn cần tiết kiệm những nguồn năng lượng khác để tiến tới xa hơn là tiết kiệm nguồn lực quốc gia.
Chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Cần đánh vào kinh tế, tài chính của doanh nghiệp, người dân để nâng cao ý thức tiết kiệm điện. Ảnh: Anh Thư |
Hiện nay, mỗi lượng than, nguyên liệu nhập khẩu đều có giá trị cao hơn trước đó, bởi đây đều là nguồn năng lượng không thể tái tạo. Do đó, nếu không tiết kiệm, sử dụng năng lượng thông minh, hiệu quả thì chi phí đầu vào sẽ ngày một tăng lên, từ đó đẩy giá điện và chi phí sản xuất tăng, khiến giá thành các sản phẩm tăng cao. Tất cả những điều này sẽ gây nên hệ lụy lớn cho nền kinh tế, ông Tuấn phân tích.
Bên cạnh đó, để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm hơn, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, có thể hoạt động cơ chế giá điện theo giá thị trường, khi đó, giá điện sẽ cao hơn, nâng cao ý thức người dân về tiết kiệm điện.
Ngoài ra, cần tính tới việc sử dụng các loại năng lượng tái tạo, đặc biệt là áp dụng điện mặt trời áp mái, vừa gia tăng nguồn điện cung ứng, giúp giảm phát thải, vừa giúp nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, cả trong nước và xuất khẩu.