TikTok tham gia thương mại điện tử Việt Nam bằng kênh bán hàng mới

TMĐT Việt nAM
12:00 - 12/05/2022
TikTok tham gia thương mại điện tử Việt Nam bằng kênh bán hàng mới
0:00 / 0:00
0:00
Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2022) với chủ đề “Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch” khai mạc sáng 12/5, với điểm đáng chú ý là sự tham gia của TikTok nhằm đưa ra kênh kinh doanh mới mang tên TikTok Shop.

Ngày 12/5, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức VOBF 2022 nhằm chia sẻ về tiềm năng thị trường, những xu hướng giải pháp và công nghệ nổi bật, những chính sách và quy định pháp luật mới ban hành hoặc sắp sửa đổi, những thuận lợi và khó khăn trong việc phối hợp và liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp,

Đây là năm thứ 7 diễn ra sự kiện thường niên và VOBF năm nay tập trung đưa ra các giải pháp cụ thể, giúp doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục sau giai đoạn khủng hoảng lớn và ứng dụng chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM cho biết, hai năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế và người dân Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch cũng đồng thời mở ra cơ hội phát triển cho thương mại điện tử. Thống kê cho thấy, trước năm 2019, nhiều người còn e ngại khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, nhưng qua hai năm đại dịch, lượng người mua hàng trên các sàn này đã tăng trưởng rất nhiều do giãn cách xã hội.

Đặc biệt, ông Dũng cũng thông báo về sự tham gia của mạng xã hội TikTok trong VOBF 2022 với kênh kinh doanh mới mang tên TikTok Shop. Đây hứa hẹn là kênh bán hàng trực tiếp với mô hình tuần hoàn vĩnh viễn, nơi khách hàng có thể mua hàng ngay trên mạng xã hội này mà không cần phải chuyển sang các ứng dụng khác. Dự kiến, kênh này sẽ tạo cơ hội kết nối thương mại tới các vùng sâu vùng xa mà thương mại điện tử còn chưa phát triển, hứa hẹn sẽ tạo nên bùng nổ thương mại tại đây.

Để tận dụng cơ hội thị trường trong giai đoạn hồi phục, bà Lê Minh Trang, quản lý cao cấp của Nielsen IQ, cho rằng, hiện nay trong khu vực châu Á, Việt Nam đang nằm trong nhóm vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, với mức tăng trưởng năm 2021 giảm 4,8% so với năm 2020. Để đẩy nhanh tốc độ hồi phục, các doanh nghiệp cần có những kế hoạch tiếp cận mới theo nhu cầu khách hàng sau đại dịch.

Theo đó, Nielsen IQ phân loại người tiêu dùng hiện nay thành 5 nhóm: Nhóm đang gặp khó khăn; nhóm đang bắt đầu có sự hồi phục; nhóm ít bị ảnh hưởng nhưng cũng đang muốn cơ cấu lại danh mục quan tâm; nhóm không bị ảnh hưởng và nhóm có được lợi thế trong đại dịch. Đối với mỗi nhóm khách hàng, nhu cầu tiêu dùng sau đại dịch sẽ có sự khác biệt. Tuy nhiên họ đều có sự tương đồng là hướng đến sự thuận tiện, nhanh chóng và nhiều trải nghiệm khi mua hàng.

Cũng theo NielsenIQ, hiện nay 82% người dùng sử dụng thương mại điện tử trên điện thoại. Điều này đã kéo theo sự ra đời của hàng loạt “siêu ứng dụng”, nhằm thuận tiện hóa hoạt động mua hàng như Grab, Momo, Shopee, Tiki, Lazada,…

Ngoài ra, việc quảng cáo hàng hóa trên nền tảng số trở nên rất đa dạng, trong đó có quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội đang phát triển rất mạnh, đặc biệt là hình thức livestream.

Trong khi đó, đề cập về tiềm năng của các sàn thương mại điện tử, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại của Lazada Việt Nam cho biết, năm 2021 số lượng người mua hàng, lượng đơn hàng và doanh thu của nền tảng này đều tăng gấp đôi so với năm 2020. Theo báo cáo thống kê của Google, Telmasek và Lazada, hiện 71% người dùng Việt Nam đã thực hiện ít nhất 1 lần mua hàng trực tuyến. Trong số đó, 94% người dùng khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng thương mại điện tử, còn 81% cho rằng đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ.

Vì vậy, cơ hội để phát triển trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay được đánh giá là rất lớn. Nắm bắt cơ hội này, các doanh nghiệp đang ngày càng coi trọng, đầu tư cho quá trình chuyển đổi số và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử một cách triệt để, có sự chuẩn bị kĩ càng hơn.

Cũng tại VOBF 2022, ông Nguyễn Bình Minh, đại diện VECOM đã công bố Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2022. Đây là thông tin để đánh giá sự phát triển chung của thương mại điện tử, từ sự tăng trưởng chung của thị trường đến của từng địa phương, cũng như về tình hình nhân sự của ngành này. Theo đó, VECOM đánh giá năm 2021 tăng trưởng của thương mại điện tử vẫn duy trì mức trên hai con số, với lượng người dùng có xu hướng tăng cao. Dự báo quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.