Hiện tại, tình hình mưa lũ tại miền Bắc đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ trên mạng xã hội, với hàng loạt thông tin được chia sẻ rộng rãi. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin chính thống từ cơ quan chức năng, một số kẻ xấu đã lợi dụng tình hình mưa lũ để tung tin giả, thậm chí giả mạo tổ chức cứu trợ để lừa đảo quyên góp.
Một trong những thông tin giả phổ biến trên mạng xã hội Facebook xuất hiện gần đây có nội dung: “Người dân ở vùng bão lũ mất điện, không có wifi có thể nhập theo cú pháp gửi 191 và áp dụng cho thuê bao mạng Viettel”. Theo bài đăng này, người dùng có thể nhập tất cả các cú pháp như 3ST4G gửi 191, 4G gửi 191, 5GBKM gửi 191, 5GKM gửi 191, ZP15 gửi 191, ST15 gửi 191, ST15N_4G gửi 191, để có mạng.
Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng còn lưu ý cú pháp chỉ áp dụng cho những khu vực bị bão lũ, mất điện, mất kết nối Internet. Ảnh chụp màn hình: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Để bài viết tăng thêm tính thuyết phục, các đối tượng chèn thêm các từ khóa như “hỗ trợ bão lũ, “chỉ thuê bao ở vùng bão lũ mới đăng ký được” và nhận hàng nghìn lượt tương tác và chia sẻ trên mạng xã hội.
Ngay sau đó, ngày 11/9, Viettel Telecom đã đăng bài phủ nhận về những thông tin trên. Đồng thời khuyến cáo người dùng không nên làm theo để tránh phát sinh không mong muốn.
Viettel Telecom lên tiếng xác nhận đây là thông tin sai sự thật. Ảnh chụp màn hình: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Là một trong những người đã tham gia chia sẻ nội dung trên, anh Quang Minh (30 tuổi, trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) giải thích với Mekong ASEAN rằng, anh chỉ muốn giúp đỡ khi đăng thông tin trên mạng vì thấy mọi người ở vùng lũ gặp khó khăn, đặc biệt về việc kết nối Internet. Dù có ý tốt, anh Minh thừa nhận mình đã không kiểm chứng độ chính xác của thông tin trước khi chia sẻ. Không riêng anh Minh, đây cũng là tâm lý chung của nhiều người, dẫn đến những thông tin sai lệch dễ dàng phát tán, khó kiểm soát và gây hoang mang trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, một đoạn video gây chú ý xuất hiện những ngày qua ghi lại cảnh một em bé đang khóc nức nở tại vùng cao kèm chú thích: “Em bé đang đi tìm mẹ nhưng mẹ em bị lũ cuốn mất”. Đoạn video lập tức gây xúc động mạnh cho người xem và nhận về hàng nghìn lượt tương tác trên mạng xã hội.
Lợi dụng lòng thương của người khác, một số cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật để tăng tương tác. Ảnh chụp màn hình: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Tuy nhiên, sau đó giáo viên của em bé trong đoạn video trên - cô Mai Thị Xoan (giáo viên lớp 1 điểm trường Mã Pì Lèng, tỉnh Hà Giang) đã đăng bài viết đính chính thông tin nêu trên là hoàn toàn sai sự thật.
Bài đăng đính chính của cô giáo Mai Thị Xoan - giáo viên của em nhỏ trong video nêu trên. Ảnh chụp màn hình: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
“Hiện tại gia đình bé vẫn đầy đủ cả bố mẹ, bé khóc là do theo mẹ xuống nương thôi và có thể người quay lại khoảnh khắc này của bé không hiểu được ngôn ngữ tiếng địa phương nên không rõ được bé nói gì,” cô Xoan viết trong bài đăng.
Việc lan truyền tin giả như trên không chỉ vô tình gây hoang mang dư luận mà còn ảnh hưởng đến nỗ lực cứu trợ tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, không chỉ dừng ở việc đăng thông tin sai sự thật, một số kẻ xấu còn lợi dụng nỗi đau của người dân vùng bão lũ để kêu gọi từ thiện trái phép để trục lợi. Vừa qua, tài khoản chính thức của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đã đăng cảnh báo về tình trạng fanpage mạo danh tổ chức để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
cảnh báo về tình trạng fanpage lừa đảo, mạo danh các tổ chức để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Ảnh chụp màn hình: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Theo Mekong ASEAN ghi nhận, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng hình ảnh, thông tin giống y hệt trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.
Ví dụ do tình hình nước lũ ở các sông trên tỉnh thành miền Bắc đang dâng cao, mặt hàng cứu trợ, cứu hộ như áo phao được nhiều cá nhân, đoàn thiện nguyện tìm mua để gửi đến những tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3. Lợi dụng vấn đề này, nhiều đối tượng xấu đã sử dụng nhiều kịch bản, thủ đoạn tinh vi nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một số người dùng mạng xã hội đã phản ánh tình trạng lừa đảo tiền từ thiện đóng góp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Chị Trần Ngọc Ánh (33 tuổi, Hà Nội) cho biết, chị dự định mua 1.000 chiếc áo phao qua một tài khoản trên Facebook để chuyển lên các tỉnh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tài khoản này đã liên tục gọi điện giục chị Ánh phải chuyển khoản tiền cọc 25 triệu đồng để giữ hàng. Sau khi kiểm chứng thông tin, chị Ánh nhận thấy tài khoản này là lừa đảo nên đã không thực hiện lệnh chuyển tiền.
Áo phao là mặt hàng được nhiều cá nhân, đoàn thiện nguyện tìm mua để hỗ trợ những tỉnh thành phía Bắc đang chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Trước thực trạng tin giả, sai sự thật nói trên, Bộ Công an mới đây phát cảnh báo, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. “Hiện nay không chỉ các đối tượng gọi điện kêu gọi quyên góp mà các đối tượng còn tạo các trang giả mạo trên các nền tảng xã hội để kêu gọi từ thiện, người dân phải hết sức tỉnh táo, bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo,” thông báo của Bộ Công an lưu ý.
Trước khi quyên góp, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp. Trong trường hợp người có tấm lòng hảo tâm, chia sẽ với những khó khăn của đồng bào trong vùng thiên tai thì nên quyên góp, ủng hộ tại các đơn vị có uy tin, minh bạch, đảm bảo sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa.
Những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cung cấp thông tin sai lệch về tình hình bão lũ tại địa phương nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định hiện hành của pháp luật. Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân... bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Mức phạt này áp dụng với tổ chức vi phạm, còn cá nhân vi phạm thì mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt trên (từ 5 đến 10 triệu đồng). Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện các hành vi vi phạm trên. Trường hợp cơ quan điều tra xác định các thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” (theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), “Vu khống” (theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017)... |