Bảo tàng Hà Nội phối hợp Diễn đàn Sinh viên nội thất Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề "Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại". Không gian trưng bày diễn ra từ tháng 11/2023 - 5/2024. |
Trưng bày tập trung giới thiệu về 10 làng nghề tiêu biểu của Hà Nội gồm: Làng nghề đậu bạc Định Công, thêu Khoái Nội, mây tre đan Phú Vinh, điêu khắc Nhân Hiền, khảm trai Chuôn Ngọ, nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ Thiết Úng, lược sừng Thụy Ứng, gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh dân gian Hàng Trống. |
Trưng bày được thể hiện thông qua góc nhìn thiết kế sáng tạo của nhóm sinh viên đến từ 9 trường đại học của Việt Nam và 1 trường của Thái Lan. Lấy cảm hứng từ ngôi nhà ba gian truyền thống tại nông thôn Việt Nam, các nhà thiết kế trẻ đã tái hiện lại cuộc sống lao động của những nghệ nhân tại làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông). Dưới mái nhà ấy, mọi người cùng nhau sinh hoạt, dệt nên những tấm lụa óng ả. |
Làng nghề Định Công thuộc phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được biết đến là trung tâm chế tác vàng bạc lớn nhất đất Thăng Long với các tác phẩm vô cùng tinh xảo. |
Bông hoa hồng được thiết kế tỉ mẩn dưới đôi bàn tay người nghệ nhân biểu trưng cho sự kiêu sa, cái đẹp và tình yêu. |
Lược vốn là vật dụng không thể thiếu, nhất là đối với chị em phụ nữ. Những thứ tưởng chừng như bỏ đi của con trâu, con bò như sừng, móng, xương… khi qua bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề ở làng nghề Thụy Ứng (huyện Thường Tín) đều trở thành những chiếc lược đẹp mắt và tinh xảo. |
Sản phẩm từ làng nghề Thụy Ứng ngày càng đa dạng gần gũi với đời sống hàng ngày như thìa, muôi, bát,... Nghề điêu khắc sừng ở đây đang ngày càng phát triển bởi chính những người thợ đã luôn tiếp lửa và làm nó thăng hoa trong suốt hơn 400 năm qua. |
Sản phẩm làng nghề mây tre đan Phú Vinh, với các sản phẩm đã trở nên quen thuộc trong sinh hoạt và nếp sống người dân làng quê Việt Nam xưa, được biến hóa thành những đồ vật trang trí, vừa giản dị lại trang nhã. |
Góc trưng bày làng nghề Khảm trai Chuôn Ngọ - làng nghề thủ công nổi tiếng, xuất hiện khoảng thế kỷ thứ XI - XIII ở làng Chuôn Ngọ (Chương Mỹ). Khảm trai vốn thường thấy trong đồ dùng như bình phong, tráp trầu hay các vật phẩm tại chùa nay đã được biến tấu dùng trong trang trí nội thất đương đại. |
Khảm trai vốn thường thấy trong đồ dùng như bình phong, tráp trầu hay các vật phẩm tại đền chùa nay đã được biến tấu dùng trong trang trí nội thất đương đại. |
Trưng bày "Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại" không chỉ có ý nghĩa tôn vinh làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội mà còn có ý nghĩa kết nối du lịch, thương mại, đẩy mạnh các hoạt động thiết kế sáng tạo. |
Mỗi một làng nghề với một câu chuyện khác nhau, chứa đựng sự tâm huyết của những nhà thiết kế trẻ. Sợi dây liên kết giữa họ là quyết tâm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, là sự trân trọng được hiện thực hóa bằng sức sáng tạo không giới hạn và là khát khao về một nền Nội thất Việt đa dạng và có tính bản sắc rõ nét. |