Dự án TNR Stars Chí Linh do CTCP Đầu tư Phát triển Đức Trí làm chủ đầu tư. Ảnh: Minh Phong |
Thống kê của MekongASEAN cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2023, có tổng cộng 36 địa phương trên khắp cả nước kêu gọi tìm nhà đầu tư cho 154 dự án với tổng diện tích hơn 6.700 ha, tổng mức đầu tư xấp xỉ 430.000 tỷ đồng.
Hầu hết các dự án đều thu hút nhà đầu tư quan tâm đăng ký với nhiều cái tên đáng chú ý như Eurowindow, Hòa Phát, TNG Holdings, Ecopark, Vinhomes, Sun Group, T&T Group… Trong đó, tích cực hơn cả phải kể đến Tập đoàn TNG Holdings của vợ chồng doanh nhân Trần Anh Tuấn.
Cụ thể, thông qua các thành viên trong hệ sinh thái, TNG Holdings tính từ đầu năm đến nay đã đăng ký 7 dự án, đứng đầu trong số các cái tên kể trên về số lượng. Các dự án có tổng diện tích 256 ha, tổng mức đầu tư 19.268 tỷ đồng, phân bổ trên các địa phương là Hải Phòng (1), Hưng Yên (1), Thanh Hoá (2), Lâm Đồng (2) và Phú Yên (1).
Danh sách các dự án được nhóm TNG Holdings đăng ký trong năm 2023. Ảnh: Minh Phong |
Ngoại trừ dự án khu nhà ở tại Nghĩa Hiệp, Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên (1.328 tỷ đồng, 9,66ha) và khu phố chợ Phú Thứ, Tây Hòa, tỉnh Phú Yên (853 tỷ đồng, 10,36ha) chưa công bố kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, các liên danh của TNG Holdings đều đã được đánh giá đủ điều kiện thực hiện 5 dự án còn lại.
Trong số đó nổi bật là dự án Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim có diện tích gần 154 ha, tổng mức đầu tư 11.843 tỷ đồng tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Nhìn lại dấu ấn của TNG tại PGBank
Dự án ban đầu được hai nhà đầu tư đăng ký, bao gồm liên danh của TNR Holdings là CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân, CTCP Phát triển BĐS An Phúc và CTCP Bất động sản Hano-Vid; và liên danh của Tập đoàn Ecopark là CTCP Phát triển Ecolives và CTCP Tập đoàn Ecopark.
Vào ngày 22/8 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định phê duyệt liên danh của TNR Holdings đủ điều kiện thực hiện Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim, trong khi liên danh của Ecopark được đánh giá không đạt do hồ sơ không đáp ứng tiêu chuẩn.
Trên thực tế, TNR Holdings trong nhiều năm trở lại đây được biết đến là một trong những ông lớn tích cực mở rộng quỹ đất nhất trên thị trường bất động sản.
Theo thống kê của MekongASEAN, tính từ năm 2019 đến nay, các pháp nhân trong hệ sinh thái TNG Holdings như CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam, CTCP Thương mại - Quảng Cáo - Xây dựng Việt Hân, CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Nam Quang, CTCP Bất động sản Mỹ, CTCP Bất động sản Hano-VID, CTCP Đầu tư Phát triển Đức Trí, CTCP May - Diêm Sài Gòn đã đấu giá/đấu thầu, và được cấp phép thực hiện ít nhất 70 dự án, trải dài từ Bắc vào Nam trên địa phận 29 tỉnh thành trên cả nước, bao gồm đủ các loại hình khách sạn, khu đô thị, nhà ở xã hội hay cả khu công nghiệp.
Trong số các thành viên của TNG Holdings, tích cực hơn cả là Bất động sản Hano-VID khi tự mình hoặc liên danh với các pháp nhân cùng nhóm trúng tối thiểu 25 dự án, tiêu biểu nhất là liên danh cùng BĐS Mỹ và Hạ tầng Nam Quang trúng dự án Khu đô thị Trà Quang Nam với tổng mức đầu tư 1.457 tỷ đồng, diện tích 27,1 ha. Vào ngày 22/3/2022, 3 công ty này thành lập Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Trà Quang Nam để thực hiện dự án trên.
Gom về ít nhất 70 dự án, tuy nhiên không có dự án nào ở các trung tâm địa ốc Hà Nội và TP HCM, thay vào đó, chiến lược đầu tư của TNG Holdings cùng các thành viên là đón đầu xu thế, mở rộng quỹ đất ở các địa phương giàu tiềm năng làm của để dành trong tương lai.
Phú Thọ là địa phương mà nhóm TNG Holdings trúng nhiều dự án nhất với 8 dự án, trải đều ở các huyện Lâm Thao, Cẩm Khê, Phù Ninh, Đoan Hùng, Thanh Thủy, hay thị xã Phú Thọ. Trong đó, Hano-VID đưa về 3 dự án, với dự án lớn nhất là Khu nhà ở Sông Thao, huyện Cẩm Khê có tổng mức đầu tư 872 tỷ đồng, diện tích 14,92 ha.
Miền Bắc cũng là nơi tập trung phần lớn quỹ đất của tập đoàn này với 36 dự án, chủ yếu xoay quanh ở các tỉnh vệ tinh Hà Nội như Thái Bình (3), Quảng Ninh (4), Phú Thọ (8), Hải Dương (3), Hải Phòng (1), Hòa Bình (1).