Tờ Ukrainska Pravda (UP) đưa tin, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Ấn Độ đăng tải ngày 25/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: “Tôi thực sự tin tưởng rằng Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai nên được tổ chức tại một quốc gia ở nam bán cầu. Chúng tôi thực sự minh bạch về điều này. Có những quốc gia khác như Arab Saudi, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ mà chúng tôi đang đàm phán về hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai”.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ và chia sẻ ý tưởng với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu ở Ấn Độ. Đây là một quốc gia tuyệt vời, một nền dân chủ tuyệt vời,” ông Zelensky nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) vỗ tay trong buổi lễ ký kết các văn kiện sau cuộc hội đàm tại Cung điện Mariinskyi, ngày 23/8. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine cũng nêu rõ điều kiện để chọn chủ nhà đăng cai Hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai. “Tôi muốn làm rõ rằng, điều này không chỉ áp dụng cho Ấn Độ mà còn cho bất kỳ quốc gia nào đồng ý tổ chức sự kiện này. Chúng tôi không thể tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở một quốc gia chưa tham gia Tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình,” ông Zelensky cho biết.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã thảo luận với Thủ tướng Modi về mọi vấn đề trong Tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất và những chủ đề đã được các bên thảo luận tại sự kiện đó.
“Tôi nghĩ rằng Ấn Độ có thể lựa chọn bất kỳ điểm nào trong số này, tham gia bất kỳ chủ đề nào và có thể đưa ra tầm nhìn, quan điểm riêng của mình... Chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc đối thoại cởi mở và trung thực,” nhà lãnh đạo Ukraine cho hay.
Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 23/8 đã đến Kiev, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ đến quốc gia này kể từ năm 1991. Chuyến thăm Ukraine của ông Modi diễn ra chỉ vài tuần sau chuyến công du Nga, nơi ông có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hồi tháng 6, Thụy Sĩ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine lần thứ nhất với sự tham dự của đại diện hơn 90 quốc gia và tổ chức. Nga không được mời tham dự sự kiện. Trung Quốc cho biết họ “khó có thể tham dự” hội nghị, nhấn mạnh rằng sự kiện này chưa đáp ứng các điều kiện mà Bắc Kinh đã nêu ra, gồm yêu cầu về sự có mặt của Moscow.
Sau hội nghị, có 78 quốc gia nhất trí ký tuyên bố chung về việc kêu gọi “kiềm chế đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, bao gồm cả Ukraine, trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận”.
Các bên cũng kêu gọi khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - hiện do Nga kiểm soát, tiếp cận các cảng biển ở Biển Đen và Biển Azov; yêu cầu Nga kiểm soát sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuyên bố kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột trao trả hoàn toàn các tù binh và các trẻ em “bị di dời bất hợp pháp”.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khi đó tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sĩ đã mang lại kết quả không đáng kể và cho thấy sự vô ích của việc tổ chức các cuộc đàm phán mà không có Nga. Điện Kremlin khẳng định rằng Moscow vẫn sẵn sàng đối thoại với tất cả các quốc gia có ý định tiến hành các sự kiện như này và sẽ tiếp tục truyền đạt quan điểm của mình.