Reuters dẫn lời ông Mahardi cho biết, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thay Tổng thống Putin dẫn đầu phái đoàn nước này dự hội nghị G20 ở Bali. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Nga dự kiến sẽ tham gia một trong các cuộc họp của G20 bằng hình thức trực tuyến.
Người phát ngôn của Đại sứ quán Nga ở Indonesia cũng xác nhận ông Putin sẽ không tham dự hội nghị, nhưng không đưa ra giải thích thêm.
Với tư cách là nước chủ nhà G20, Indonesia đã cố gắng làm trung gian hòa giải xung đột địa chính trị giữa các nước trong G20. Khi các nước phương Tây và Ukraine yêu cầu Indonesia rút lại lời mời ông Putin đến dự hội nghị thượng đỉnh và loại Nga ra khỏi nhóm G20 vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, Jakarta cho biết không có thẩm quyền làm như vậy nếu không có sự đồng thuận của các thành viên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp người đồng cấp Indonesia Joko Widodo và tổ chức họp báo chung tại điện Kremlin, Moscow, Nga, ngày 30/06. Ảnh: AP |
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Financial Times, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết Nga được chào đón tại hội nghị thượng đỉnh G20. Ông Widodo cũng bày tỏ lo ngại hội nghị lần này sẽ bị lu mờ vì sự gia tăng "rất đáng lo ngại" của căng thẳng quốc tế.
"G20 không được tạo ra để trở thành một diễn đàn chính trị. Đây là diễn đàn về kinh tế và phát triển", Tổng thống Widodo nói.
Nước chủ nhà Indonesia cũng đã mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến dự G20. Tuy nhiên, ông Zelensky tuần trước tuyên bố rằng ông sẽ không dự G20 nếu Tổng thống Putin cũng có mặt. Nhà lãnh đạo Ukraine nhiều khả năng sẽ tham gia bằng hình thức trực tuyến.
Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo thế giới khác, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ đến Bali, Indonesia tham dự hội nghị thượng đỉnh bắt đầu vào ngày 15/11.
Được thành lập vào năm 1999, G20 (Nhóm 20 nền kinh tế lớn) là diễn đàn quốc tế chính thức dành cho các Nguyên thủ và Thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU). G20 có mục đích thảo luận về những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy các chính sách liên quan đến việc ổn định tình hình tài chính quốc tế cũng như định hướng phát triển cho nền kinh tế toàn cầu.