Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP |
Ám chỉ phản ứng của Israel trước cuộc tấn công ngày 7/10 vào lãnh thổ nước này của lực lượng vũ trang Hamas, Tổng thống Pháp ngày 20/12 nhận định với đài truyền hình France 5 rằng: “Chúng ta không thể để ý tưởng cho rằng một cuộc chiến chống khủng bố hiệu quả đồng nghĩa với việc là san phẳng Gaza hoặc tấn công dân thường một cách bừa bãi”.
Thay vào đó, nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi Israel “ngưng phản ứng này vì nó không phù hợp, vì mọi sinh mạng đều có giá trị như nhau và chúng tôi bảo vệ họ”. Ông thừa nhận “quyền tự vệ và chống khủng bố của Israel”, tuy nhiên nhấn mạnh rằng Pháp kêu gọi tập trung bảo vệ dân thường và “một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo”.
Ông Macron trước đây từng chỉ trích việc Israel thực hiện chiến dịch của mình. Hồi đầu tháng 12, ông cảnh báo rằng mục tiêu tiêu diệt Hamas của Israel có thể mất tới một thập kỷ và gây ra “sự phẫn nộ của dư luận trong khu vực”.
Phát biểu tại hội nghị về khí hậu COP28 ở Dubai, Tổng thống Pháp khẳng định chính quyền Israel cần “xác định chính xác hơn” mục tiêu ở Gaza, đồng thời nói thêm rằng phản ứng thích hợp đối với một nhóm khủng bố không phải là “đánh bom toàn bộ cơ sở dân sự”.
Hãng tin Guardian dẫn lời ông cho biết: “Chúng ta đang ở thời điểm mà chính quyền Israel phải xác định chính xác hơn mục tiêu và trạng thái mong muốn của mình. Sự hủy diệt hoàn toàn của Hamas là gì và có khả năng xảy ra không? Nếu họ thực sự mong muốn điều này, cuộc chiến sẽ kéo dài tới 10 năm và tôi không nghĩ việc xác định nghiêm túc mục tiêu còn thực hiện được”.
Tuyên bố này của Tổng thống Pháp được đưa ra trong bối cảnh Israel đang đứng trước áp lực ngày càng gia tăng của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo tại Gaza.
Ngày 18/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cùng với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng CQ Brown, tới Israel để thảo luận về “cách dịch chuyển khỏi các chiến dịch tấn công cường độ cao” ở Gaza và cách tăng cường dòng viện trợ nhân đạo.
Các quan chức Mỹ kêu gọi Israel thực hiện các chiến dịch tấn công có mục tiêu nhằm tiêu diệt các thủ lĩnh Hamas, phá hủy các đường hầm và giải cứu con tin thay vì các “vụ ném bom bừa bãi” – điều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12/12 cảnh báo rằng có thể khiến Israel mất đi sự hỗ trợ quốc tế.
Ngày 15/12 trước đó, Liên minh châu Âu cùng một số quốc gia bao gồm Mỹ, Australia, Vương Quốc Anh và Canada, trong một tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Pháp công bố, cũng kêu gọi Israel “thực hiện các hành động cụ thể để ngăn chặn bạo lực chưa từng có tại Bờ Tây”.
Cụ thể, Times of Israel cho biết tuyên bố trên nhấn mạnh “một số vụ tấn công chưa từng có” kể từ đầu tháng 10 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người Palestine. Ngoài ra, tuyên bố cũng nêu rõ chính sách định cư của Israel “là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế” và thúc giục “Israel phải bảo vệ thường dân Palestine ở Bờ Tây” và “đưa những kẻ chịu trách nhiệm về bạo lực này ra trước công lý”. Israel bác bỏ những cáo buộc trên.
Về phía Israel, nước này vẫn luôn nhấn mạnh rằng giao tranh sẽ chỉ kết thúc khi Hamas bị tiêu diệt, tất cả các con tin được giải phóng và Gaza không còn là mối đe dọa đối với Israel. Đưa ra tuyên bố ngày 20/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết: “Bất cứ ai nghĩ rằng chúng tôi sẽ dừng lại đều đang xa rời khỏi thực tế”.
Theo Cơ quan y tế Gaza, tính đến ngày 20/12, số người Palestine thiệt mạng ở Gaza kể từ khi xung đột nổ ra đã vượt quá 20.000 người, trong khi có hàng chục nghìn người bị thương. Cơ quan này không phân biệt giữa cái chết của dân thường và chiến binh Hamas, tuy nhiên các số liệu thống kê cho thấy phụ nữ và trẻ vị thành niên chiếm khoảng 2/3 số người thiệt mạng.