Phần trán ửng đỏ, mũi bị đau chỉ sau 30 phút nhà báo Joanna Stern đeo kính thực tế ảo Vision Pro mới của Apple. |
Nhà báo Lauren Goode của Wired cũng có trải nghiệm tương tự. "Mang bộ kính Vision Pro suốt hàng tiếng đồng hồ khiến tôi tự hỏi về cảm giác sử dụng thiết bị trong thời gian dài. Khi bỏ thiết bị này ra, tôi cảm giác da đầu mình như được giải thoát", bà Lauren chia sẻ.
Mặc dù sự ra mắt của thiết bị Vision Pro mang lại khá nhiều trải nghiệm thú vị, nhưng người dùng luôn có cảm giác đang đeo một vật trên đầu và khá cồng kềnh.
Apple cho biết, cảm giác không thoải mái mà nhà báo Joanna Stern gặp phải khi đeo thiết bị đeo hỗn hợp Vision Pro có thể là do thiết bị hiện chỉ có một cỡ Light Seal duy nhất. Light Seal là phần đệm bao quanh mắt kính, gắn với màn hình bằng nam châm để cho ánh sáng không bị lọt vào bên trong thiết bị. Ngoài ra, kính còn có một dây đeo (head band) ôm lấy phần sau đầu để giữ cố định.
Sự thoải mái khi đeo các thiết bị thực tế ảo trong quá trình trải nghiệm là mối quan tâm hàng đầu của người dùng và các nhà sản xuất. Khi bộ phận thực tế ảo Oculus của Facebook lần đầu ra mắt kính thực tế ảo Oculus Rift năm 2014 cũng nhận lại nhiều đánh giá từ phía người dùng như xuất hiện vết đỏ ở trán, má.
Đó là lý do vì sao gần như mọi sản phẩm thực tế ảo đang bày bán trên thị trường như Meta Quest 2 đều dùng vỏ nhựa để giảm trọng lượng cũng như bớt áp lực lên trái và mũi dù bên ngoài nhìn không được thẩm mỹ.
Thiết bị đeo Vision Pro của Apple được làm từ hợp kim nhôm và kính nên nhìn đẹp hơn nhiều so với đối thủ, nhưng cũng làm tăng trọng lượng tổng thể của thiết bị. Để giảm thiểu điều này, Apple thiết kế dây đeo và dùng cục pin rời, kết nối với kính qua dây.
Theo chuyên trang công nghệ Insider, điều này cho thấy ngay cả Apple cũng phải đánh đổi giữa thẩm mỹ với sự thoải mái.