Traphaco đang đẩy mạnh mảng tân dược khi thị trường đông dược bị cạnh tranh. |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 của CTCP Traphaco (mã chứng khoán TRA), doanh nghiệp ghi nhận 619 tỷ đồng doanh thu thuần trong 3 tháng đầu năm, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí giá vốn được tiết giảm tốt, giảm 7,6% so với cùng kỳ xuống mức 274 tỷ đồng, qua đó giúp lợi nhuận gộp tăng 5,5% lên mức 345 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm 31,3% xuống còn 2,4 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 19% lên mức 0,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng tăng 18% lên mức 171 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng tăng 5% lên 80 tỷ đồng. Trong đó, chi phí quảng cáo tăng đáng kể lên 30,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ ở mức 26 tỷ đồng.
Kết quả, Traphaco báo lãi trước thuế 100 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 80 tỷ đồng, tương đương giảm lần lượt 11% và 10% so với quý 1/2022.
Với biên lợi nhuận gộp 56%, có thể thấy, hoạt động kinh doanh của Traphaco khá hiệu quả so với một số doanh nghiệp cùng ngành dược phẩm đang niêm yết. Tuy vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của Traphaco lại chỉ ở mức 13%, thấp hơn đáng kể so với Dược Hậu Giang (29%), Imexpharm (16%), Bidiphar (18%), OPC (15%)…; chủ yếu do tỷ lệ chi phí bán hàng và chi phí quản lý trên doanh thu ở mức khá cao.
Tính riêng trong quý 1/2023, tỷ lệ các khoản chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu của Traphaco lên đến hơn 40% so với mức 27% của Imexpharm, 30% của Bidiphar, hay 21% của Dược Hậu Giang.
Năm 2023, TRA đặt mục tiêu doanh thu 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận 326 tỷ đồng; lần lượt tăng trưởng 8% và 11% so với năm trước. Trong đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu OTC (kênh bán lẻ ở tiệm thuốc) là 2.133 tỷ đồng, ETC (kênh đấu thầu tại sở và bệnh viện) là 206 tỷ đồng, tăng lần lượt 5%, 17% so với năm 2022.
Năm 2023, công ty dự kiến đưa vào sản xuất và cho ra thị trường ít nhất 19 sản phẩm mới với doanh số khoảng 36 tỷ đồng. Doanh số các sản phẩm mới triển khai thị trường từ năm 2021 khoảng 170 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 14/4 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Traphaco Chung Ji Kwang đánh giá, đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng công ty vẫn có thể đạt kết quả tốt hơn.
Lãnh đạo Traphaco cho biết, mảng đông dược của công ty có sản phẩm chủ lực nhiều năm trên thị trường, đã tương đối ổn định và thường được ví là “con bò sữa” của Traphaco.
Với tân dược, Traphaco cũng có những nhóm sản phẩm doanh số lớn như nhóm thuốc ho có doanh số trên 300 tỷ đồng/năm. Năm 2022, mảng tân dược tăng 11% về doanh thu và lợi nhuận sau thuế cũng tăng tương ứng.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản của Traphaco tại thời điểm 31/3/2023 đạt gần 1.839 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi giảm 19% xuống gần 114 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 3% xuống còn 465 tỷ đồng. Đáng chú ý, hiện doanh nghiệp đang có khoản nợ xấu gần 20 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi ước tính khoảng 11 tỷ đồng.
Phần tài sản cố định của Traphaco trị giá 509 tỷ đồng, trong đó có 18 quyền sử dụng đất lâu dài trị giá hơn 51 tỷ đồng tại nhiều địa phương như TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hải Dương, Hưng Yên…
Nợ phải trả của doanh nghiệp cũng giảm nhẹ so với hồi đầu năm, đạt 430 tỷ đồng. Chiếm chủ yếu là khoản phải trả cho người bán ngắn hạn, phải trả người lao động, chi phí phải trả ngắn hạn… Trong kỳ, công ty đã tất toán hết 40 tỷ đồng nợ vay tài chính.