Quốc hội họp phiên chiều 28/10. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 29/10, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Liên quan đến dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), tại phiên họp tổ sáng 26/10, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, rất nhiều vấn đề của đầu tư công lần này sẽ được tháo gỡ, thúc đẩy.
Bộ trưởng nêu một số nội dung cụ thể như dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định tách giải phóng mặt bằng nhóm B, nhóm C, cho làm công tác chuẩn bị trước; phân cấp, phân quyền; cho phép địa phương đầu tư dự án của Trung ương, dùng ngân sách đầu tư cho dự án thuộc địa phương khác có tính liên vùng...
Đối với đầu tư công, nhiều năm nay ghi nhận một số thực trạng như đầu năm thư thả, cuối năm vất vả trong giải ngân, vốn chờ dự án, có tiền không giải ngân được… Một trong những vướng mắc là luật hiện hành quy định vốn chuẩn bị đầu tư phải được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch trong kế hoạch trung hạn và hằng năm từ nguồn chi đầu tư phát triển, dẫn đến chưa huy động được hết các nguồn lực và ảnh hưởng đến yêu cầu, tiến độ, tính sẵn sàng trong công tác chuẩn bị đầu tư dự án.
Thực tế, việc giải ngân đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2024 tiếp tục bị chậm, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Điều này cũng được các vị đại biểu Quốc hội phản ánh trong những phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội vừa qua.
Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp tổ sáng 26/10, việc kết quả giải ngân vốn đầu tư trong 9 tháng đầu năm nay thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, vẫn xuất phát từ những nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, bồi thường, giá đất... ngoài ra năm nay có thêm thêm nguyên nhân chủ quan là thiên tai, bão lũ kéo dài. “Có nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan nhưng trong bối cảnh như thế, vẫn có bộ ngành, địa phương giải ngân rất cao. Theo tôi, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, nếu quyết liệt, sát sao thì sẽ hiệu quả,” Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ đã nhìn nhận được vấn đề và thành lập các đoàn công tác, đôn đốc thường xuyên để phấn đấu đạt kết quả giải ngân đầu tư công thấp nhất trong năm nay là 95%.