Trung du và miền núi Bắc Bộ cần có chính sách đủ mạnh để phát triển kinh tế rừng

lâm nghiệp lào cai
17:02 - 09/05/2023
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là yêu cầu của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh với khu vực này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong tình hình mới.

Ngày 9/5, tại Lào Cai, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tại hội nghị, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện chỉ thị số 13 của vùng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: "Diện tích rừng trồng tại đây đã tăng lên; diện tích rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học được bảo vệ khá tốt, độ che phủ rừng cao hơn trung bình cả nước trên 12% (đạt 54,2%), tăng 0,6% so với trước khi có Chỉ thị 13. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phát triển khá".

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.

Các địa phương đã thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch... trên địa bàn được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Việc chuyển đổi rừng tự nhiên, rừng nghèo kiệt sang trồng rừng, sản xuất nông nghiệp được kiểm soát chặt chẽ,...

Về phía tỉnh Lào Cai, lãnh đạo tỉnh cho biết sau 5 năm thực hiện chỉ thị số 13, tỷ lệ che phủ rừng tại tỉnh đã tăng từ 53% (2017) lên 57,7% (2022); giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 12%/năm; thu tiền dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2017 - 2022 đạt 780 tỷ đồng (đứng thứ 4 toàn quốc). Mỗi héc-ta rừng trồng sản xuất cho giá trị thu hoạch cao nhất khoảng 600 triệu đồng. Người dân đã quý rừng, cần rừng và gắn bó với rừng.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như vẫn còn tình trạng phá rừng tự nhiên, khai thác lâm sản trái pháp luật.

Kinh phí chi cho quản lý, bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên hạn hẹp, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách Nhà nước, thiếu cơ chế chia sẻ lợi ích từ du lịch sinh thái, sử dụng môi trường rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Tỷ lệ che phủ rừng tăng, nhưng chất lượng rừng chưa cao kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Thủ tục hành chính phức tạp, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật trong việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng gây khó khăn cho nhiều địa phương.

Góp ý khắc phục những tồn tại trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, tại Hội nghị các đại biểu đề xuất cần có Nghị quyết mới của Bộ Chính trị để phát triển lâm nghiệp bền vững. Nghị quyết này sẽ đưa ra các chủ trương, chính sách mới, bảo đảm cả 2 hướng chủ đạo là bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Đồng tình với các kiến nghị và đề xuất được nêu ra tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ tập trung vào các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh; tình trạng di dân tự do.

Thứ hai, có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển kinh tế rừng: đổi mới chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và sản phẩm gỗ; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ ba, đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ cac-bon ở Việt Nam.

Thứ tư là bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, bảo đảm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 theo cam kết quốc tế tại COP26 về biến đổi khí hậu.

Thứ năm là ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cần có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển giống, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, cơ giới hóa trong lâm nghiệp, chế biến gỗ và lâm sản.

Thứ sáu, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng.

Thứ bảy, hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo Ban Kinh tế Trung ương, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ bao gồm 14 tỉnh, với tổng diện tích trên 95.000 km2 (chiếm 28,75% của cả nước), diện tích đất có rừng gần 5,4 triệu ha, chiếm khoảng 37% diện tích đất có rừng cả nước; tỷ lệ che phủ là 54,02%, cao hơn nhiều mức bình quân chung toàn quốc (42%).

Đây là vùng có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.

Tin liên quan

Đọc tiếp