Trong một tài liệu được công bố vào tuần trước, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, cơ quan điều hành hàng đầu của quốc gia này, cho biết “các ngành công nghiệp cốt lõi của nền kinh tế kỹ thuật số” sẽ chiếm 10% GDP vào năm 2025, tăng từ mức 7,8% vào năm 2020.
Các mục tiêu trên nằm trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, kế hoạch phát triển kéo dài từ năm 2021 đến năm 2025. Năm ngoái, Trung Quốc đã nêu bật các lĩnh vực “công nghệ xuyên biên giới” mà họ sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và hướng tới mục tiêu tự túc kinh tế số. Trong tài liệu cũng đề cập đến các mục tiêu cụ thể hơn về từng lĩnh vực trong vài năm tới.
Trong đó, Trung Quốc đang đặt mục tiêu doanh số bán lẻ trực tuyến toàn quốc sẽ tăng từ 1,85 nghìn tỷ USD vào năm 2020 lên 2,68 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Quốc gia này dự kiến ngành phần mềm và công nghệ thông tin sẽ tăng từ 1,29 nghìn tỷ USD vào năm 2020 lên 2,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Trung Quốc cũng dự đoán số lượng người Trung Quốc sử dụng gigabit broadband (băng thông rộng), với tốc độ kết nối internet nhanh nhất hiện nay, sẽ tăng từ 6,4 triệu người vào năm 2020 lên 60 triệu người vào năm 2025.
Trung Quốc dự báo số người sử dụng gigabit broadband có thể lên tới 60 triệu người vào năm 2025. Ảnh: Reuters |
Tăng cường kết nối và cải thiện tốc độ internet là một phần trong chiến lược thúc đẩy tỷ trọng GDP của nền kinh tế kỹ thuật số. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc triển khai thương mại kỹ thuật số và ứng dụng 5G trên quy mô lớn.
Internet 5G - thế hệ mạng đời mới, hứa hẹn tốc độ siêu nhanh, đã bắt đầu được triển khai ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Nhưng 5G chưa phải là điểm dừng vì kế hoạch của Bắc Kinh là tham vọng tiếp cận Internet 6G (thế hệ thứ sáu) trong vài năm nữa.
Bắc Kinh có kế hoạch tăng cường hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển 6G và tham gia vào việc tạo ra các tiêu chuẩn quốc tế cho 6G. Từ năm 2019, Trung Quốc đã khởi động nền móng cho 6G. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, 5G chỉ mới bắt đầu ra mắt, nên 6G vẫn chưa có tiêu chuẩn hoặc định nghĩa thống nhất.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đặt mục tiêu đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình các tiêu chuẩn công nghệ trên toàn thế giới. Đây là một động thái mà các nhà phân tích cho rằng nó có thể có ý nghĩa lớn đối với sức mạnh mà Bắc Kinh đang nắm giữ, tăng tính cạnh tranh trong các lĩnh vực từ Internet di động đến trí tuệ nhân tạo. Trong đó, các tiêu chuẩn công nghệ thường được thống nhất trên toàn cầu về các quy tắc kỹ thuật, cách thức hoạt động của công nghệ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiếp tục mục tiêu tự cung tự cấp trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, điện toán đám mây, xây dựng trung tâm dữ liệu và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cam kết tiếp tục giám sát quy định đối với lĩnh vực công nghệ trong nước. Trong năm 2021, Trung Quốc đã thắt chặt quy định đối với các công ty internet và đưa ra luật mới trong các lĩnh vực từ chống độc quyền đến bảo vệ dự liệu.
Văn kiện của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết, cơ quan này sẽ tìm hiểu việc thiết lập các phương pháp quản trị tương thích với “sự phát triển bền vững và lành mạnh của nền kinh tế kỹ thuật số”. Trung Quốc sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chức năng để cải thiện nền kinh tế số.