Ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc điều hành Viettel IDC phát biểu tại sự kiện. |
Chưa tương xứng với tiềm năng
Tại hội thảo Data Center & Cloud Infrastructure Summit 2024 diễn ra ngày 18/3, ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc điều hành Viettel IDC cho biết, Việt Nam hiện mới chỉ có gần 30 trung tâm dữ liệu, chiếm chưa tới 1% số lượng trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới.
Theo ông Ngọc, nếu xét về quy mô, Việt Nam mới chỉ bằng 1/15 đến 1/20 của Singapore, bằng 1/5 của Malaysia và Indonesia. Trong 3 năm gần nhất, thị trường data center ở Indonesia, Malaysia tăng 6 lần, nhưng Việt Nam chỉ tăng 1,5 lần. Những kết quả trên cho thấy tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam khá chậm, trong khi tiềm năng của thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam lại rất lớn.
Báo cáo của Research and Markets cho thấy, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đã sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng ổn định, dự kiến đạt mức 1,03 tỷ USD vào năm 2028, tăng đáng kể so với con số 561 triệu USD ghi nhận vào năm 2022. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường đạt 10,68% trong giai đoạn dự báo (2022-2028).
"Trung tâm dữ liệu của Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, sau Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) nhờ quá trình số hóa của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, đồng thời có dân số trẻ hiểu biết về kỹ thuật số, sự xuất hiện của 5G, nhu cầu tự cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nội địa hóa dữ liệu," ông Ngọc thông tin.
Hơn nữa, các quy định pháp lý gần đây nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân và tăng cường các biện pháp an ninh mạng. Đặc biệt là Nghị định 53 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/10/2022 quy định các dữ liệu Internet phải được lưu trữ tại Việt Nam. Điều này thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực trung tâm dữ liệu.
Những chính sách hấp dẫn này đang đóng vai trò là chất xúc tác, thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực trung tâm dữ liệu ở Việt Nam tăng lên hàng năm.
Trung tâm dữ liệu đối mặt với thách thức "xanh"
Phát biểu tại sự kiện do Viettel IDC tổ chức, ông Byung Ki Lee, Trưởng phòng phát triển dữ liệu của Nokia nhận định, mặc dù thị trường trung tâm dữ liệu rất hấp dẫn nhưng lĩnh vực này đang đứng trước áp lực phải giảm lượng khí thải carbon, điều này đang trở thành một tiêu chuẩn.
"Thực tế thị trường trung tâm dữ liệu đã tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ hàng năm. Các nhà cung cấp đang có xu hướng chuyển dần sang mô hình xanh nhằm tiết kiệm chi phí cho năng lượng phải tiêu thụ (lên tới 30%), từ đó gia tăng doanh thu. Khi nhiều quốc gia bắt đầu đi theo 'con đường xanh', việc chuyển sang các công nghệ xanh hơn, thân thiện hơn với môi trường sẽ là nhiệm vụ bắt buộc với các trung tâm dữ liệu," ông Lee nói thêm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phòng kỹ thuật Viettel IDC cho rằng, Việt Nam phải đối mặt với không ít những khó khăn khi xây dựng thị trường trung tâm dữ liệu xanh. Một rào cản lớn cho các nhà cung cấp phải kể đến là cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho loại hình này chưa có.
Các yếu tố khác bao gồm độ tin cậy và khả năng chi trả của lưới điện, nhiệt độ khu vực, sự sẵn có của nguồn nước, năng lượng bền vững và tái tạo cũng như các quy định phân bổ công suất, lượng điện cung cấp cho các trung tâm dữ liệu.
Một trung tâm dữ liệu có nhu cầu tiêu hao năng lượng lớn và không gián đoạn, do đó đòi hỏi các nguồn điện luôn đáng tin cậy có thể cung cấp năng lượng liên tục suốt ngày đêm. Trong khi đó hầu hết trung tâm dữ liệu tại Việt Nam chỉ dùng một nguồn điện lưới do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp.
Hơn nữa, năng lượng tái tạo có khả năng không sản xuất đủ năng lượng đáp ứng những đòi hỏi, kéo theo bài toán thế nào là phát triển bền vững các nguồn năng lượng tái tạo để xanh hóa.