Truyền thông trong ngành ngân hàng: Cần cả niềm tin và kiến thức

Truyền thông trong ngành ngân hàng: Cần cả niềm tin và kiến thức

truyền thông NGÂN HÀNG
18:23 - 21/06/2023
Bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chiều sâu về hiểu biết tài chính, niềm tin của cộng đồng có ý nghĩa quan trọng góp phần ổn định, phát triển hệ thống tài chính ngân hàng của mỗi quốc gia.

Truyền thông phổ biến kiến thức trong lĩnh vực ngân hàng được Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới rất chú trọng và coi đây là một hoạt động quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, niềm tin của công chúng và cũng chính là nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ.

Trong đó, các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính được đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế, địa chính trị có nhiều biến động phức tạp, khó lường,

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng luôn xác định truyền thông là một trong những trụ cột nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai đồng bộ từ các Vụ, Cục, đơn vị chức năng đến Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng, góp phần nâng cao niềm tin với việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, giữ ổn định cho hệ thống huyết mạch của nền kinh tế.

Mục tiêu của hoạt động truyền thông là đưa các chính sách của ngành đến mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao niềm tin người dân với các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và ngành Ngân hàng.

Chiều ngược lại, truyền thông cũng là một trong những kênh để tiếp nhận, lắng nghe, phản hồi và xây dựng chính sách, nhất là các chính sách mới liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số góp mặt trong tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống, hoạt động truyền thông của ngành ngân hàng luôn đứng trước yêu cầu đổi mới về nội dung và hình thức để đạt hiệu quả tốt nhất, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của công chúng khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, từ đó góp phần giảm thiểu rủi ro đối với người dân và doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng.

Trong đó đặc biệt tập trung vào các chính sách mới, các chính sách tác động trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ ngân hàng như chính sách tỷ giá, tín dụng, lãi suất, tiết kiệm, vay vốn, thanh toán...

Ví dụ, liên quan đến tín dụng, ngành ngân hàng tập trung truyền thông về các chủ trương, định hướng tín dụng trong tình hình hiện nay, tín dụng lĩnh vực ưu tiên, tín dụng chính sách… Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường truyền thông về các sản phẩm cho vay, các chương trình tín dụng minh bạch lãi suất, quy trình, thủ tục tiếp cận vốn…

Hoặc đối với lĩnh vực tiết kiệm, ngành ngân hàng tập trung truyền thông về các quy định của NHNN về gửi tiết kiệm, đặc biệt là trách nhiệm của các tổ chức nhận tiền gửi như bắt buộc phải cung cấp biện pháp thông báo biến động số dư tiền gửi đến khách hàng, cấm không được nhận tiền gửi của khách hàng tại ngoài các địa điểm và phương thức hợp pháp, quy định về tính lãi suất…

Ngoài ra, NHNN cũng tăng cường truyền thông về những nội dung cần lưu ý khách hàng để hạn chế rủi ro khi gửi tiết kiệm như không nên nhờ người khác gửi tiết kiệm hộ, cho người khác mượn sổ tiết kiệm, ký khống giấy tờ ngân hàng…

Còn đối với lĩnh vực thanh toán, truyền thông ngành ngân hàng xác định trách nhiệm góp phần thay đổi thói quen, hành vi của người sử dụng dịch vụ ngân hàng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Nội dung truyền thông tập trung vào một số vấn đề như lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, cách sử dụng internet banking, mobile banking, thanh toán bằng QR code, thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng, các ngân hàng miễn phí các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng như thế nào, những lưu ý cần tránh khi thực hiện thanh toán trực tuyến như không cho người khác mật khẩu, mã OTP, không nên bấm vào đường link lạ…

Các hình thức truyền thông được ngành Ngân hàng sử dụng luôn đổi mới, sáng tạo nhưng nhất quán trên nguyên tắc “4 dễ”, đó là dễ hiểu – dễ nhớ - dễ làm – dễ lan tỏa.

Tùy từng nhóm công chúng và mục tiêu chính sách hay các vấn đề dư luận quan tâm, NHNN lựa chọn các hình thức truyền thông khác nhau, như tổ chức các cuộc họp báo định kỳ, các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại chính sách... trên tinh thần lắng nghe và cầu thị.

Thời gian qua, NHNN đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí, góp phần đưa các chủ trương chính sách của NHNN đến với công chúng để tạo sự đồng thuận trong dư luận. Đồng thời, NHNN cũng chủ động, tích cực, kịp thời cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của NHNN - thông tin nguồn với khoảng 6 triệu người truy cập hàng năm.

Các hình thức truyền thông được lựa chọn phải mang tính chất phổ cập, đơn giản hóa tối đa các thuật ngữ chuyên môn thành ngôn ngữ thông thường, dễ hiểu của cuộc sống, hạn chế sử dụng thuật ngữ chuyên môn sâu. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số và xu hướng tiếp cận thông tin hiện nay, ngành Ngân hàng đã lựa chọn các hình thức truyền thông thu hút nhiều công chúng.

Ngoài ra, ngành ngân hàng đã phối hợp với các cơ quan truyền thông liên quan thực hiện những chương trình truyền thông giáo dục tài chính với hình thức phong phú, sáng tạo và dễ tiếp cận thông tin, trực quan sinh động như chương trình “Tiền khéo tiền khôn”, “ Tay hòm chìa khóa”, “ Đồng tiền thông thái” trên VTV hoặc những chuyên mục hỏi đáp chính sách trên các báo…

Để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo ra một cộng đồng tài chính tốt, NHNN đã tổ chức các chương trình giáo dục tài chính hướng tới nhóm công chúng mục tiêu là giới trẻ, tiêu biểu như các chương trình “Hiểu đúng về tiền” hay chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính “Nhà ngân hàng tương lai”…

Với nhiều nội dung hấp dẫn, sáng tạo, chuỗi sự kiện “Nhà ngân hàng tương lai năm 2023” đã mang đến cho giới trẻ các kiến thức về tài chính ngân hàng, trải nghiệm sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, mua sách với mức giá ưu đãi, mua hàng tại siêu thị sinh viên miễn phí, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, trao tặng an sinh xã hội chương trình “Ngày chủ nhật yêu thương” của Ủy ban xã hội của Quốc hội… Chương trình đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp tới hàng ngàn học sinh, sinh viên khu vực miền Bắc và thu hút sự tham gia của gần 200 đội thi.

Trong bối cảnh hiện nay, những thông tin liên quan đến lĩnh vực ngân hàng dự báo sẽ tiếp tục tác động đến tâm lý và niềm tin công chúng. Nhiệm vụ triển khai truyền thông các chủ trương chính sách của Chính phủ liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng càng quan trọng.

Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh những chương trình trong giai đoạn trước, trong giai đoạn tới, NHNN sẽ đặc biệt chú trọng các chương trình giáo dục tài chính hướng tới các nội dung được dư luận quan tâm, kiến thức chiều sâu về tài chính ngân hàng, hiểu biết về các loại hình sản phẩm tài chính như trái phiếu, tiết kiệm, bảo hiểm, chứng khoán, các sản phẩm tài chính đầu tư và sự khác nhau giữa các loại hình này…

Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông số, ứng dụng các xu hướng truyền thông hiện đại, mạng xã hội… hướng tới việc cung cấp thông tin chính sách kịp thời và đầy đủ đến nhân dân, nhất là giới trẻ, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những nhóm công chúng ít thông tin về tài chính...

Đọc tiếp